“Nguyên nhân các sự cố tàu bị trật bánh xảy ra trong thời gian gần đây chủ yếu do khó khăn trong việc quản lý, đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Ngoài ra, việc tăng tần suất chạy tàu dịp Tết vừa qua cũng là một nguyên nhân khiến hạ tầng quá tải, chất lượng toa xe không đồng đều”. Ngày 19-2, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giải thích với Pháp Luật TP.HCM như trên sau sự cố toa tàu bị trật đường ray tại ga Suối Kiết (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) sáng 19-2.
Ngành đường sắt than thở
Vị này cũng cho biết tổng công ty đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn của ngành. Cụ thể là đường ray toàn tuyến có nhiều thanh sắt đã mòn, nhiều khuyết tật do sử dụng nhiều năm chưa được thay thế. Đặc biệt, có khoảng 40 km vẫn sử dụng ray loại nhỏ P38 (38 kg/m). Vì vậy, một số loại thanh ray cần được nhanh chóng thay thế.
Tính bình quân, mỗi năm đường sắt cần phải bổ sung, thay thế 15.414 thanh ray. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách cấp cho bảo trì đường sắt hiện tại chỉ thay thế được khoảng 2.300 thanh ray mỗi năm (chỉ khoảng 14,2% nhu cầu thực sự).
Chính vì vậy, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đề nghị Chính phủ xem xét, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu những tai nạn giao thông đường sắt đáng tiếc.
Hai xe cẩu lớn được điều động đến hiện trường để nhấc toa tàu bị lật. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Hai ngày, hai sự cố
Trước đó, sáng 19-2, tàu hàng đường sắt AH2 xuất phát từ ga Sóng Thần (Bình Dương) khi vào ga Suối Kiết (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) tại lý trình 1603+300 đã bị trật bánh hai toa. Trong đó có một toa lật ngang. Sự cố khiến đường sắt Bắc Nam đoạn qua Bình Thuận bị tắc nghẽn, nhiều tàu khác phải dừng ở các ga gần đó. Sự cố thứ năm trong vòng sáu tháng trở lại đây khiến người ta không khỏi hoang mang về độ an toàn của các toa tàu và đường sắt nói chung.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã nhanh chóng huy động nhiều nhân viên kỹ thuật đến hỗ trợ sự cố. Cùng đó, lực lượng công an, CSGT cũng có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc.
2.548 km đường chính tuyến, 503 km đường ga, 2.232 bộ ghi trên tất cả mạng đường sắt do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang quản lý, bảo trì. |
Đến khoảng 12 giờ 30, toa tàu bị lật nghiêng đã được nhấc lên và khoảng một tiếng sau thì toa này được nhấc ra khỏi đường ray.
15 giờ cùng ngày, công tác bảo trì, sửa chữa đường ray được thực hiện khẩn trương để thông tuyến bước một cho tàu chạy chậm với tốc độ 5 km/giờ qua điểm trật. Sau đó các đơn vị tiếp tục sửa chữa đường để trả dần tốc độ về mức bình thường.
Nhiều toa tàu phải dừng lại tại các ga lân cận và hơn 15 ô tô được điều động đến ga Sông Dinh (huyện Tánh Linh) để vận chuyển hành khách đến ga Gia Ray (Đồng Nai) tiếp tục hành trình về TP.HCM.
Chỉ trước đó một ngày, khoảng 18 giờ 45 ngày 18-2, tàu hàng SBN1 chạy Bắc Nam khi đến khu gian Mỹ Lý - Quán Hành thuộc địa phận huyện Diễn Châu, Nghệ An cũng bị trật bánh một toa. Sự cố khiến đoàn tàu phải dừng lại, đường sắt Bắc Nam đoạn trên bị gián đoạn, ách tắc. Tàu khách TN3 và nhiều đoàn tàu khác phải tạm dừng để chờ thông đường. Khoảng 700 m đường ray bị ảnh hưởng nhẹ.
Liên tiếp xảy ra tai nạn Trong sáu tháng gần đây, tổng cộng tàu đường sắt Bắc Nam gặp sự cố trật đường ray năm lần do nhiều nguyên nhân khác nhau. - Ngày 3-9-2018, tàu SE3 Hà Nội - Sài Gòn khi qua khu Ngân Sơn - Thọ Lộc (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) bị trật ray do va chạm với máy xúc. - Ngày 21-11-2018, tại vị trí giáp ranh giữa hai xã Phổ Cường và Phổ Hòa (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), tàu SE4 mang số hiệu D19E-913 đang chạy với vận tốc cao thì đá núi bất ngờ sạt lở, rơi vào đường tàu. - Ngày 27-1-2019, tàu SE1 bị trật bánh khi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận tại ga Sông Lòng Sông khiến đường sắt Bắc Nam tê liệt nhiều giờ. Gần đây nhất là hai sự cố được nêu trong bài. |