Thỏa thuận giải quyết khủng hoảng Ukraine

Ngày 21-2, trang web của tổng thống Ukraine chính thức thông báo thỏa thuận giải quyết khủng hoảng đã được ký kết giữa tổng thống và phe đối lập sau một ngày và một đêm thương lượng.

Vì sao Nga không ký?

Hãng tin RIA Novosti (Nga) cho biết thỏa thuận giải quyết khủng hoảng đã được ký kết tại dinh tổng thống ở thủ đô Kiev.

Các bên ký kết gồm Tổng thống Viktor Yanukovych và ba nhà lãnh đạo đối lập gồm Vitali Klitschko của đảng Udar (Liên minh Dân chủ Ukraine vì cải cách), Arseniy Yatsenyuk của đảng Batkivshchyna (Liên minh Tổ quốc toàn Ukraine) và Oleg Tyagnibok của đảng Svoboda (Liên minh Tự do toàn Ukraine). 

Các nhà thương lượng châu Âu gồm Ngoại trưởng Đức Franz-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã ký vào thỏa thuận nhưng đại diện của Nga thì không.

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Nga không ký thỏa thuận giải quyết khủng hoảng ở Ukraine không có nghĩa là Nga không ủng hộ thỏa thuận.

Bộ Ngoại giao Nga giải thích theo yêu cầu của Ukraine và Liên minh châu Âu (EU), đặc phái viên về nhân quyền Nga Vladimir Lukin đã tham gia vào tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, khi đại diện của Nga tham gia thì văn bản thỏa thuận gần như đã hoàn chỉnh, do đó đặc phái viên Vladimir Lukin không ký.

Tổng thống Viktor Yanukovych (thứ hai từ phải sang) ký thỏa thuận ngày 21-2. Ba lãnh đạo phe đối lập đang chờ ký thỏa thuận. Ảnh: PHÒNG BÁO CHÍ TỔNG THỐNG UKRAINE

Theo Reuters, trong quá trình đàm phán, phe đối lập đưa ra điều kiện Bộ trưởng Nội vụ Vitaly Zakhartchenko không có chân trong chính phủ mới và Viện trưởng Viện Công tố Viktor Pshonka phải ra đi vì đã sử dụng bộ máy cảnh sát và tư pháp để trấn áp người biểu tình.

Với thỏa thuận vừa ký kết, Tổng thống Viktor Yanukovych đã nhân nhượng lùi một bước trước phe đối lập. Tuy nhiên, ông vẫn giữ thế thượng phong bởi gạt phắt yêu cầu chủ yếu của phe đối lập là buộc ông phải từ chức.

Nội dung thỏa thuận

Các điểm chính trong thỏa thuận giải quyết khủng hoảng như sau:

 Khôi phục Hiến pháp năm 2004: Trong vòng 48 tiếng sau khi ký thỏa thuận, một đạo luật về khôi phục Hiến pháp năm 2004 bao gồm các điều khoản sửa đổi sẽ được thông qua và có hiệu lực.

Thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc: Các bên ký kết cam kết thành lập liên minh và thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trong thời hạn 10 ngày sau khi khôi phục Hiến pháp năm 2004.

 Cải cách hiến pháp: Công tác sửa đổi hiến pháp (dự kiến cân bằng quyền hạn giữa tổng thống, chính phủ và Quốc hội) sẽ bắt đầu ngay và hoàn tất từ nay đến tháng 9-2014.

Bầu cử tổng thống trước thời hạn: Bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức khi hiến pháp mới được thông qua và không trễ hơn tháng 12-2014. Các luật mới về bầu cử cũng sẽ được thông qua.

Điều tra: Điều tra về bạo lực mới đây sẽ được tiến hành dưới sự kiểm soát của chính quyền, phe đối lập và Hội đồng châu Âu.

Bạo lực và chiếm cứ đường phố: 1) Chính quyền sẽ không thiết lập tình trạng khẩn cấp; 2) Chính quyền và phe đối lập sẽ không sử dụng bạo lực; 3) Quốc hội sẽ thông qua luật ân xá mới; 4) Hai bên nỗ lực nghiêm túc đưa tình hình trở lại bình thường bằng cách rút khỏi các cơ quan hành chính và cơ quan nhà nước, giải tỏa phong tỏa trên đường phố, công viên, quảng trường; 5) Vũ khí sở hữu trái phép sẽ được giao cho Bộ Nội vụ; 6) Chính phủ chỉ sử dụng lực lượng bảo vệ an ninh để bảo vệ các công sở.

Mỹ, Nga, EU đều hài lòng

Vài giờ sau khi thỏa thuận giải quyết khủng hoảng được ký kết, Quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết khôi phục Hiến pháp năm 2004. Quốc hội cũng thông qua dự luật hủy bỏ nhiều điều khoản của Luật Hình sự mà trước đây tòa án đã quy chiếu để kết án nguyên Thủ tướng Yulia Tymoshenko. Như vậy sắp tới có khả năng bà Tymoshenko sẽ được trả tự do.

Năm 2011, bà Tymoshenko bị kết án bảy năm tù về tội lạm dụng quyền hạn. Năm 2009, bà không thông qua chính phủ nhưng đã ký nhiều hợp đồng khí đốt với Nga gây bất lợi cho Ukraine. Bà đang nằm ở BV Kharkov từ tháng 5-2012.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nhận định thỏa thuận giải quyết khủng hoảng ở Ukraine là cần thiết để phát động đối thoại chính trị. Nhà Trắng khen ngợi thỏa thuận của Ukraine và mong muốn thỏa thuận được tiến hành ngay.

Bộ Ngoại giao Nga thông báo ngày 21-2, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Obama đã điện đàm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Hai bên nhất trí cần nhanh chóng thực hiện thỏa thuận tổng thống Ukraine và phe đối lập đã ký kết. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với Cao ủy đối ngoại EU Catherine Ashton. Ông kêu gọi EU lên án thái độ của các phần tử cực đoan ở Ukraine.

HOÀNG DUY

 

Tổng thống Viktor Yanukovych thông báo sẽ tổ chức hai ngày quốc tang vào ngày 22 và 23-2 để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong xung đột từ ngày 18-2. Đối với 40.000 người biểu tình đang chiếm quảng trường Độc Lập, thỏa thuận tổng thống Ukraine vừa ký kết với phe đối lập dường như không ảnh hưởng gì đến họ. Họ khẳng định vẫn tiếp tục bám trụ nếu tổng thống không từ chức.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm