Từ vài tháng qua, hàng vạn người dùng Facebook tại Việt Nam đã theo dõi fanpage của một người có nick là “Thánh cô cô bóc”. Nhân vật này tung hê mặt trái của những người có liên quan đến nghệ thuật và được biết đến dưới mác diễn viên, người mẫu…
Bóc mẽ cái danh hão và sự hèn hạ
Đỉnh điểm là việc bóc mẽ giải thưởng “Nữ hoàng bikini châu Á” của người mẫu Ngọc Trinh mà rất nhiều trang báo điện tử trước đó do “cả tin” nên đã tung hô như một danh hiệu đáng tự hào. Chí ít thì sự xuất hiện kịp thời của “thánh bóc” khiến những ai có ý định kiếm cái danh hão như vậy trong tương lai phải dè chừng. Bên cạnh đó, việc bóc mẽ mặt trái của những kẻ mang danh “nghệ sĩ” để bán dâm giá cao cũng là hồi chuông cảnh báo cho những thanh thiếu niên ảo tưởng về chuyện chỉ cần đẹp là trở thành người nổi tiếng và “làm giàu không khó”.
Cùng thời điểm, rất nhiều “thánh bóc” tự phát đã lên tiếng về chuyện đoàn công tác 10 người của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định vội vã rời khỏi Nepal sau động đất chứ không ở lại tham gia trợ giúp khắc phục hậu quả thảm họa. Rõ ràng cộng đồng mạng có lý khi đặt vấn đề về tính liêm sỉ của những người với chuyên môn của mình, lẽ ra phải ở lại giúp nạn nhân trong nguy cấp thì lại bỏ chạy về nước rồi còn lên báo bao biện cho cái hèn. Trong khi cả thế giới hướng về Nepal với nhiều động thái cứu trợ, việc tháo chạy của những người này cần được xử lý đích đáng về tội làm nhục quốc thể, đồng thời có tác dụng răn đe những đoàn công tác nước ngoài bằng ngân sách về cách hành xử khi gặp sự cố.
Vì sao có “thánh bóc”?
Có ý kiến lý giải rằng các “thánh bóc” xuất hiện trong bối cảnh báo chí chính thống không đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của người đọc về trách nhiệm truyền thông. Những bản tin na ná nhau cũng như không mổ xẻ được vấn đề rốt ráo trên mặt báo khiến người đọc dần dà thất vọng và đi tìm nguồn thông tin khác trên mạng xã hội. Trong thời đại số, thông tin đa chiều là xu hướng tất yếu, mỗi cá nhân đều có quyền lên tiếng để thể hiện quan điểm của mình và đó là điều pháp luật không cấm. Miễn là các ý kiến trái chiều được thể hiện một cách văn minh và góp phần khơi gợi suy nghĩ khoáng đạt cho người đọc.
Ở chiều ngược lại, các “thánh bóc” cũng đang tạo áp lực thay đổi cách thức đưa tin của báo chí chính thống. Một số tờ báo nay đã mở chuyên mục cho bạn đọc thể hiện quan điểm cá nhân nhằm gây tranh luận và tạo hiệu ứng truyền thông rộng rãi trên mạng xã hội. Người đọc ngày nay có thể thoải mái bình luận phía dưới mỗi bài báo dù rằng các ý kiến của họ thường được ban biên tập kiểm duyệt trước khi đăng tải.
Không cần phải lo ngại về việc các “thánh bóc” tự phát xuất hiện ngày càng nhiều trên Facebook sẽ gây mất ổn định hay chia rẽ dư luận, vì chính cư dân mạng sẽ quyết định uy lực của một “thánh bóc” qua mỗi lượt like, comment, share thông tin từ người này. Trong cuộc sàng lọc đó, những “thánh bóc” chỉ nhằm mục tiêu phô trương vốn hiểu biết hay công kích cá nhân, xúc phạm người khác sớm muộn sẽ bị cộng đồng mạng tẩy chay.
Xét cho cùng, nếu không có “thánh bóc” và những phản biện xã hội kịp thời trên Facebook, chúng ta sẽ phải chờ đợi rất lâu để đọc được những bài báo “nói trúng tim đen” của người dân.
BENJAMIN NGÔ