Bộ trưởng Nội vụ: Không tinh giản biên chế kiểu 'cào bằng'

Tại phiên chất vấn sáng nay (7-11), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận được một số câu hỏi liên quan đến việc sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Hoàn thành chỉ tiêu tinh giản biên chế công chức

ĐB Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) nói cử tri băn khoăn, lo lắng tình trạng “giảm những người tinh”. Bà muốn hỏi bộ trưởng giải pháp tối ưu nào để khi sắp xếp bộ máy không loại bỏ nhầm người giỏi, giữ lại những người kém đức, kém tài.

Cạnh đó, việc sắp xếp lại bộ máy nhà nước chắc chắn sẽ tồn đọng nhiều lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, tâm lý rất bất an trong đội ngũ cán bộ. “Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp then chốt để giải quyết tốt chính sách cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong toàn xã hội đối với chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy” - ĐB Kiên Giang hỏi tiếp.

Trả lời, ông Lê Vĩnh Tân nói ông rất thống nhất về quan điểm không nên giảm biên chế “cào bằng”. Theo ông, chỉ tiêu tinh giản biên chế của Chính phủ không quy định “cào bằng” mà giảm trong tổng biên chế của địa phương và ngành quản lý.

Lấy dẫn chứng từ chính ngành mình, ông cho hay khi giao biên chế cho năm 2019, Bộ Nội vụ tăng biên chế cho ba đơn vị nhưng giảm sáu đơn vị. Tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, công việc hàng năm, việc điều chỉnh trong tổng biên chế giao cho thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị quyết định, để bảo đảm tổng biên chế không tăng.

“Không phải đơn vị nào, sở nào, vụ nào chúng ta cũng đều giảm hết 2%” - ông Tân khẳng định.

Báo cáo trước QH, ông Tân cho biết nhiệm vụ đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp trong các cơ quan hành chính là khả thi. Hai năm qua, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính đã cắt giảm ngay 2% biên chế mỗi năm. Bộ Tài chính cũng đã cắt kinh phí chi thường xuyên cũng 2%. 

“Đến cuối 2020, chúng ta sẽ đạt 8,85%, chỉ còn gần 1,3% là đạt chỉ tiêu đề ra” - ông nói và cho rằng kết hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính, giảm số lượng công chức cấp xã và HĐND cấp xã, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được tỉ lệ giảm 10% đối với công chức.

“Riêng với lĩnh vực viên chức thì khó thực hiện” - Bộ trưởng Tân thừa nhận và cho biết năm năm qua viên chức gần như không giảm được một biên chế nào.

“Cần phải có tính toán để các địa phương cùng với Bộ Nội vụ tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới và phải cương quyết thực hiện được chủ trương của Đảng về vấn đề tinh giản biên chế. Không làm được việc này đồng thời với việc không thực hiện được cơ chế tiền lương từ năm 2021” - ông Tân nói.

Sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện: Chậm mà chắc

ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng tình trạng nhập vào rồi lại tách ra không phải hiếm ở Việt Nam. Vừa qua, khi triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương, 11 địa phương được quyết định thí điểm triển khai sáp nhập ba văn phòng HĐND, UBND và đoàn ĐBQH thành một văn phòng chung. 

Theo ĐB Hùng, không ít ĐBQH, đại biểu HĐND và cử tri cho rằng sáp nhập này không phù hợp cả về lý luận và thực tiễn. Điều này có thể làm giảm vai trò, chức năng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. “Với vai trò là tư lệnh ngành, chuyên tham mưu cho Đảng và Nhà nước về tổ chức bộ máy. Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này. Theo bộ trưởng, việc sáp nhập này có thực sự làm tăng hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước không?” - ông Hùng hỏi.

Đáp lại, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay cuối năm 2017, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo sửa đổi, thay thế hai nghị định 24 và 37 về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện.

Trong quá trình đó, Trung ương đã có kết luận về vấn đề hướng dẫn tổ chức thực hiện sắp xếp các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cấp huyện. Do đó Bộ Nội vụ dừng lại và thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị và đã trình Chính phủ. 

“Từ xưa tới giờ chưa có nghị định nào trình Chính phủ thông qua tại hai kỳ họp Chính phủ. Lãnh đạo Chính phủ họp ba lần, Thường trực Chính phủ họp một lần, Ban cán sự Đảng Chính phủ họp một lần” - ông Tân cho biết và thông tin “còn ý kiến khác nhau giữa một số đồng chí trong Bộ Chính trị trong Chính phủ”. Thủ tướng cũng lưu ý rất cân nhắc về vấn đề này.

Tại cuộc họp Chính phủ lần thứ hai, Thủ tướng đã chỉ đạo cho Bộ Nội vụ thông báo tạm dừng việc sáp nhập đối với các cơ quan hành chính để chờ nghị định của Thủ tướng Chính phủ cho đến giờ này. 

Theo Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã thống nhất không có thay thế nghị định này mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, tập trung vào ba việc.

Thứ nhất, xin phép Bộ Chính trị chưa thực hiện khung cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. “Chúng ta đang làm thí điểm nên chưa quy định khung lúc này” - ông Tân nói. 

Thứ hai, các quy định khung bình quân số lượng cấp phó. 

Thứ ba, xây dựng tiêu chí thành lập đối với các sở, các phòng đặc thù và xây dựng tiêu chí thành lập đối với cơ quan bên trong của cấp sở. 

Riêng về thí điểm, Chính phủ sẽ có một nghị quyết về thí điểm để thực hiện trên tinh thần nghị quyết của Quốc hội về việc hợp chất ba văn phòng; theo tinh thần Kết luận 34 của Bộ Chính trị về thí điểm hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng và cơ quan tham mưu của nhà nước.

“Chúng tôi đã gửi văn bản cho 63 tỉnh, thành đăng ký làm thí điểm này, chọn không quá 20% đơn vị hành chính cấp tỉnh để làm thí điểm. Thời gian thí điểm từ nay đến năm 2021 sau đó sẽ tổng kết” - ông Tân nói.

Theo ông, khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ có hiệu lực sẽ đồng thời xây dựng nghị định quy định về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, cơ quan tham mưu cấp tỉnh, cấp huyện. 

“Thủ tướng rất băn khoăn vấn đề này và yêu cầu không nhập cơ học từ sở này qua sở khác mà phải tách rõ chức năng, nhiệm vụ để liên thông được, đồng thời giải quyết thủ tục hành chính để giảm bớt phiền hà, vừa nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước” - ông Tân thông tin mà mong các đại biểu thông cảm cho việc chậm trễ này.

“Chậm là có lý do của nó. Chúng ta đi từng bước, chậm mà chắc” - ông Tân nói và cho biết thêm tất cả những tỉnh thực hiện thí điểm sáp nhập giữa các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng và cơ quan của Nhà nước, đến nay đã có hai tỉnh thực hiện. Đối với cấp huyện đã có 50 huyện sáp nhập về các cơ quan tham mưu này và 40 huyện sáp nhập ba văn phòng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm