Đừng quản không được rồi đưa ra các đề xuất ‘rất buồn cười’

Sáng 14-3, Tổ công tác của Thủ tướng tiến hành kiểm tra 13 bộ, cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và phải hoàn thành trong quý I-2019.

Có những văn bản được mấy tháng đã phải hủy

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác) đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ vào cuộc triển khai quyết liệt, làm tốt các nhiệm vụ ngay từ quý I, nhất là việc hoàn thiện thể chế, cắt bỏ các rào cản, tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng và cải cách thủ tục hành chính.

“Các bộ đang nợ đọng nhiều nhiệm vụ. Năm nay là năm bứt phá, nếu làm chậm thì ảnh hưởng cả chuỗi công việc về sau” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

“Đặc biệt, Thủ tướng nhắc trước khi xây dựng các văn bản, thể chế, chính sách phải đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp, tránh việc vừa ban hành dư luận đã không đồng tình” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và cho rằng “có những văn bản cài cắm công vụ, thủ tục”, có văn bản ban hành chưa được mấy tháng đã phải hủy.

Tổ trưởng Tổ công tác sau đó cũng nêu nhiều dẫn chứng về các văn bản, đề xuất chính sách thu hút sự quan tâm của dư luận vừa qua như việc xây dựng dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm, quy định về kiểm tra phế liệu nhập khẩu dẫn tới ách tắc tại các cửa khẩu trước Tết nguyên đán hay ý kiến về việc “mất bằng lái xe phải thi lại”…

Cạnh đó, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các bộ tập trung rà soát văn bản nợ đọng và nhiệm vụ nợ đọng từ các năm trước. “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT làm mẫu 1 km đường cao tốc để tính suất đầu tư, rồi việc thu phí điện tử không dừng dân nói rất nhiều, Chính phủ đã cho lùi từ cuối năm 2018 sang cuối năm 2019” - ông Dũng lưu ý.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc kiểm tra. Ảnh: VGP/NHẬT BẮC

Về đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại”

Tại buổi làm việc, nhắc đến đề xuất trước đó của bộ trưởng GTVT về việc “mất bằng lái xe phải thi lại”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng: “Không phải như bộ trưởng nói mất bằng phải thi lại. Đừng vì không quản lý được rồi đưa ra những đề xuất rất buồn cười để dư luận ồn lên, không đáng gì”.

Đáp lại sau đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay quy định hiện hành đã rất rõ, mất bằng thì thủ tục thế nào để đổi lại, đồng thời có quy định liên thông với công an.

“Liên thông với công an từ năm 2012 làm hệ thống quản lý bằng lái xe nhưng nói thực là công an không chia sẻ. Khi đó lên làm việc với bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng bảo làm việc với thứ trưởng, thứ trưởng lại bảo xuống làm việc với một đồng chí phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, rồi lại bảo xuống Cục Cảnh sát” - Thứ trưởng Đông nói và cho biết thực tế đã đào tạo cho 600 cán bộ công an, cung cấp cả thiết bị kiểm tra bằng giả… nhưng sau đó bên công an không chia sẻ.

“Thông tư 01 quy định khi xử phạt thì anh gửi biên bản phạt để anh có mã, sau đó có thể dùng điện thoại xem bằng của bất kỳ người nào là biết hình phạt, thu bằng hai tháng hay mấy tháng. Nhưng cái đó chưa thực hiện được dù rất nỗ lực” - ông Đông nói thêm.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ thực hiện cấp giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia kết nối với địa phương vào quý IV-2019. “Tôi đi xe mà vi phạm và bị công an giữ bằng lái xe, tôi về khai báo mất thì sẽ lộ ra ngay việc vừa bị phạt chứ không phải mất. Sẽ kết nối với nhau và công khai toàn bộ trên mạng hết, truy xuất ra là biết ngay” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

“Vướng nhất là về quy hoạch

Theo thống kê của Tổ công tác, trong các nhiệm vụ phải thực hiện xong trong quý I, các bộ mới hoàn thành hai nhiệm vụ, còn 31 nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Một nội dung đáng chú ý, liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay Thủ tướng rất quan tâm, yêu cầu Bộ sớm trình nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch.

“Chúng ta không tích hợp được quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia thì tất cả tỉnh, bộ, địa phương dừng hết, không làm gì cả. Nếu chúng ta không xử lý tốt được cái này thì cả nước đình trệ hết vì quy định của luật” - ông Dũng nói.

Ông Dũng dẫn chứng một nhà máy điện khởi công muốn đầu tư cũng không được vì không bổ sung được quy hoạch. Một dự án của Bộ Giao thông cũng không làm được vì không có trong quy hoạch mà không bổ sung được.

“Tất cả vấn đề đều do chúng ta hết, từ chúng ta hết” - ông Dũng nói và đặt vấn đề - “Bao giờ quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh tích hợp được? Mà tích hợp cái trên phải có từ cái dưới, không có tỉnh thì lấy đâu ra tích hợp quy hoạch vùng, không có vùng lấy đâu ra tích hợp quy hoạch quốc gia. Hiện năm địa phương chưa phê duyệt được quy hoạch sử dụng đất cũng phải dừng hết cả lại, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng nói đang vướng Luật Quy hoạch”.

Ông Dũng kết luận: “Hiện nay vướng nhất là vấn đề quy hoạch. Bây giờ những quy hoạch đang làm dở có làm tiếp không, có cho thẩm định không, thẩm định rồi có phê duyệt không, những cái đã phê duyệt thì có tiếp tục cho điều chỉnh, bổ sung không hay tất cả nằm im tất. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất quan tâm, trình sớm nghị định này”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm