Lãnh đạo chủ chốt và kỳ vọng 5 năm tới

Nối tiếp kết quả Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội khóa XIV ở kỳ họp cuối cùng đã bầu, phê chuẩn các chức danh nhà nước. Bộ Chính trị cũng hoàn tất phân công, kiện toàn Ban bí thư. Đến thời điểm này, có thể nói công tác nhân sự của hệ thống chính trị ở trung ương đã cơ bản hoàn tất. 

Vậy nhìn nhận kết quả này thế nào? Pháp Luật TP.HCM có cuộc phỏng vấn ông Phan Diễn, nguyên Thường trực Ban bí thư khóa IX, Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa VIII, IX.

Mở đầu cuộc trao đổi, ông Phan Diễn nói: Nhiệm kỳ khóa XII của Đảng ta, các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ… đã phối hợp tương đối hài hòa, tạo được chuyển biến chung trên nhiều lĩnh vực.

Ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban bí thư: Người dân sẽ tiếp tục đánh giá lớp cán bộ mới qua hành động cụ thể và
kết quả công việc… Ảnh: BT

Chúng ta đã nhanh chóng ra khỏi nguy cơ khủng hoảng, xuất hiện ở cuối nhiệm kỳ khóa XI. Thời điểm ấy, các hư hỏng, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên trong bộ máy, trong các doanh nghiệp nhà nước tràn lan; làm lòng tin của nhân dân bị sụt giảm nghiêm trọng…

Nhìn bên ngoài, đất nước đang đứng trước hoàn cảnh phức tạp mà nếu không chấn chỉnh kịp thời các vấn đề bên trong, để lòng tin của nhân dân tiếp tục sụt giảm thì thật nguy hiểm.

Khóa XII đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế, bắt đầu bằng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dần lấy lại lòng tin của nhân dân. Bộ máy Đảng, Nhà nước từng bước vững mạnh trở lại. Kinh tế vĩ mô được cải thiện, xã hội phát triển theo hướng lành mạnh. Năm cuối nhiệm kỳ gặp phải thách thức đại dịch COVID-19 thì Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã ứng phó rất tốt, kiểm soát được tình hình…

Khơi dậy khát vọng của cả dân tộc

. Phóng viên: Tức là kết quả Đại hội XIII có được là trên nền tảng thành quả nhiệm kỳ khóa XII?

+ Ông Phan Diễn: Theo tôi, khóa XII đặt được nền móng, tạo được cơ sở rất thuận lợi cho các chuyển biến tiếp theo. Đại hội XIII đã tiếp tục củng cố, phát huy những thành tựu ấy.

Thành tựu mà Đảng, Nhà nước đạt được trong khóa XII và Đại hội XIII đã phục hồi niềm tin, khơi dậy khát vọng của cả dân tộc hướng tới mục tiêu quốc gia giàu mạnh, hùng cường.

Như đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đấy là thực tế. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định ấy. 

Tất nhiên, cũng như đồng chí Tổng bí thư nói, chúng ta tuyệt đối không vì vậy mà tự mãn. Tự mãn, kiêu ngạo, chủ quan thì sẽ lại thất bại…

. Nếu coi Đại hội XIII là kết quả của một quá trình thì kết quả ấy đang được tiếp tục thế nào, xét theo các sinh hoạt chính trị ở trung ương từ đó đến nay?

+ Đảng, Nhà nước đã rất khẩn trương, năng động, tiếp tục phát huy được đà thành công của Đại hội XIII. 

Công tác kiện toàn nhân sự nhà nước ở trung ương được triển khai ngay, không chờ Quốc hội khóa mới. Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cũng được chuẩn bị rất tích cực.

Trước đây, Đại hội Đảng toàn quốc kết thúc cả năm rồi mới bầu lại Quốc hội, rồi mới kiện toàn bộ máy nhà nước. Sau Đại hội Đảng, hoạt động của hệ thống như chùng lại, trong tâm lý đợi chờ… Chúng ta đã từng bước khắc phục điều này. Đến sau Đại hội XII đã tiến hành kiện toàn nhân sự ngay và sau Đại hội XIII này tiếp tục cách làm tốt ấy.

Như vậy, sau đại hội chỉ ba tháng, bao gồm cả thời gian nghỉ tết Nguyên đán, Đảng đã phân công xong các thành viên Bộ Chính trị, kiện toàn Ban bí thư. Quốc hội đã nhanh chóng bầu, phê chuẩn phần lớn chức danh lãnh đạo chủ chốt Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội là các thiết chế nhà nước quan trọng nhất. Guồng máy mới được kiện toàn, sẵn sàng lao vào công việc bộn bề của nhiệm kỳ mới.

Có thể nói, chúng ta đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian!

Nhân dân đồng tình, tin tưởng nhưng vẫn… chờ xem

. Quan sát dư luận báo chí thì thấy thông tin chủ đạo là ủng hộ, tán thành. Nhưng đâu đó trong dư luận xã hội, trên mạng xã hội vẫn còn băn khoăn này kia. Cá nhân ông có nghe thấy những ý kiến, đánh giá khác về công tác nhân sự Đại hội XIII cũng như kiện toàn nhân sự ở kỳ họp Quốc hội vừa qua không?

+ Tất nhiên là có và cũng dễ hiểu thôi…

Về cơ bản, tôi thấy những thay đổi về nhân sự lãnh đạo Đảng ở Đại hội XIII và nhân sự sau kỳ họp Quốc hội vừa qua đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân. Nếu tới đây ta tiếp tục xử lý các vấn đề nhân sự tốt thì niềm tin, sự ủng hộ ấy sẽ lớn hơn.

Tất nhiên, người ta vẫn chờ xem những đồng chí mới lên sẽ thể hiện bản lĩnh lãnh đạo ra sao. Người dân sẽ tiếp tục đánh giá lớp cán bộ mới qua hành động cụ thể và kết quả công việc…

. Ông có chờ xem không?

+ Tôi cũng chờ xem. 

Tôi thấy các đồng chí mới được trung ương, Bộ Chính trị tín nhiệm, Quốc hội bầu vào các vị trí quan trọng đều từng được đào tạo bài bản, có quá trình luân chuyển qua nhiều vị trí công tác, có điều kiện tích lũy kinh nghiệm. Có đồng chí rất năng nổ, sáng tạo, quyết đoán, có nhiều đóng góp khi công tác ở địa phương cũng như sau này ở trung ương.

Nhưng với trọng trách đứng đầu các cơ quan nhà nước ở trung ương, ở các cương vị lãnh đạo chủ chốt thì nhiệm vụ rất nặng nề. Nhân dân, Tổ quốc rất kỳ vọng, mong đợi, đòi hỏi và chỉ bằng hành động cụ thể mới chứng minh được…

Kỳ vọng năm năm tới

. Trước khi Quốc hội họp mấy ngày, Trung ương khóa XIII đã họp hội nghị lần thứ hai, thông qua chương trình làm việc toàn khóa. Ông kỳ vọng gì vào nghị trình này?

+ Nhiệm kỳ khóa XII làm được nhiều việc tốt, kết quả Đại hội XIII là rất tích cực, thế nhưng chưa thể nói là chúng ta đã khắc phục được hết các nhược điểm. 

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đứng trước những nhiệm vụ rất nặng nề. Những gì làm được mới là khắc phục một bước, ngăn chặn một bước. Trong thực tế, những hiện tượng cán bộ hư hỏng, thoái hóa, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị.

Tôi rất mong Trung ương Đảng có chủ trương liên tục rút kinh nghiệm về phương thức lãnh đạo của Đảng trên tất cả lĩnh vực. 

Sự nghiệp Đổi mới 35 năm rồi, Đảng ta, nhân dân ta đã trưởng thành rất nhiều. Chúng ta trải qua nhiều vấp váp, sai lầm và cũng có nhiều kinh nghiệm thành công. Thời gian đã chín muồi để đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng.

Ví dụ, Đảng lãnh đạo kinh tế thế nào là đúng? Lãnh đạo kinh tế ở trung ương khác gì lãnh đạo ở địa phương? Lãnh đạo như thế nào để chỉ ra được những hướng đi đúng, ngăn chặn kịp thời được những sai lầm, lệch lạc, trì trệ… nhưng không lấn át cơ quan chức năng, không làm thay Nhà nước, tuân thủ nghiêm túc hiến pháp, pháp luật, nghiêm túc đặt mình dưới sự giám sát của nhân dân?... 

Giải đáp thấu đáo những vấn đề ấy là không dễ chút nào.

Những hư hỏng trong bộ máy vừa qua có trách nhiệm của Đảng trong lãnh đạo công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành pháp luật… Đảng ta đã rút kinh nghiệm, đã có những sửa đổi nhất định nhưng tôi nghĩ vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục xem xét, bàn luận, tiếp tục đổi mới hơn nữa.

Kiểm điểm, rút kinh nghiệm và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng không phải làm một lần là xong. Thế giới và trong nước đang biến đổi, chuyển động không ngừng, buộc Đảng ta phải liên tục đổi mới. Cho đến nay, Đảng cần tổng kết, rút kinh nghiệm về phương thức lãnh đạo của Đảng một cách bài bản, toàn diện. Theo tôi, giờ đã đến lúc làm và sẽ còn cần làm nhiều lần.

. Xin cám ơn ông.

Đủ khả năng, bản lĩnh đảm nhiệm những trọng trách lớn

 . Trước băn khoăn về một số nhân sự lãnh đạo được bầu vào Chính phủ lần này chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động Chính phủ, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

+ Theo tôi, có kinh nghiệm hoạt động Chính phủ không phải là yêu cầu bắt buộc. Các đồng chí ấy từng lãnh đạo địa phương hoặc các cơ quan trung ương, đều có kinh nghiệm quản lý toàn diện về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng… và đã có thể hiện, chứng minh nhất định về khả năng, bản lĩnh của mình.

.bình luận thế này: Cách lựa chọn nhân sự lãnh đạo Chính phủ như vậy sẽ khuyến khích các lãnh đạo địa phương nỗ lực hơn để có thể vươn lên những vị trí lãnh đạo tầm quốc gia...

+ Vâng, có lẽ như vậy.

Con đường phát triển của những nhà lãnh đạo đất nước không nhất thiết lúc nào cũng phải qua những bước tuần tự tiến, mặc dù vẫn cần trải qua những cương vị nhất định để rèn luyện, bộc lộ bản lĩnh, tiềm năng. 

Tôi nghĩ cán bộ ở trung ương hay địa phương đều có cơ hội thử thách, trưởng thành và tiến lên đảm nhiệm những trọng trách lớn hơn. Quá trình phát triển ấy, mỗi bước đi của họ đều cần được nhân dân tán thành, tin tưởng, kỳ vọng, đồng thời nhân dân luôn quan sát, theo dõi, đánh giá…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.