TP.HCM: Tập trung kéo giảm tai nạn giao thông

Sáng 26-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT)” giai đoạn 2018-2020.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong cho biết qua ba năm triển khai thực hiện, phong trào này đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo người dân. 
TP đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 57 công trình, dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình hình ùn tắc giao thông tại những điểm nóng như sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… 
TP.HCM cũng đã đưa vào sử dụng Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị giai đoạn 1, là trung tâm đầu tiên của cả nước ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý điều hành giao thông.
Chủ tịch UBND TP cho biết tai nạn giao thông ba năm qua đều giảm trên cả ba mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương). Riêng chín tháng đầu năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 13,8%, số người chết giảm 14,1%, số người bị thương giảm 12,4%.
Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị người đứng đầu các quận/huyện cần quan tâm đến công tác bảo đảm TTATGT bởi đó chính là quan tâm đến chất lượng sống của người dân. “Mọi cái không thể dùng lời nói mà dùng hành động của chúng ta để tham gia quản lý tốt cho công tác bảo đảm TTATGT” - ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với tình hình TP; xây dựng và triển khai các phương án xử lý các điểm đen tai nạn giao thông, điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Từ đó phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí từ 5% trở lên.
Ông cũng đề nghị đưa việc chấp hành pháp luật về TTATGT là một tiêu chí đánh giá chất lượng của các cơ quan, đơn vị và đánh giá, bình xét danh hiệu khu phố văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa.
Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT. Nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT. Từ đó, phấn đấu hoàn thành Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị giai đoạn 2 vào năm 2025. 

Tăng phạt nguội để hạn chế CSGT đối đầu với dân

 Tại hội nghị, Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ (PC08, Công an TP), cho biết thời gian tới CSGT sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, hoàn thiện việc xử phạt qua hình ảnh.

Theo Thượng tá Huỳnh Trung Phong, hiện nay tỉ lệ xử lý vi phạm qua hệ thống camera đã đạt khoảng 36%. Dự kiến năm 2021, tỉ lệ này sẽ chiếm 60% và đến năm 2022 sẽ đạt 80%-90%.

“Như vậy, trong thời gian tới tất cả vi phạm giao thông trên địa bàn TP đều được xử lý qua phương tiện nghiệp vụ” - Thượng tá Phong nhấn mạnh và cho rằng việc này sẽ hạn chế sự đối đầu giữa CSGT với người dân.


Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy