Từ vụ cháy chết 5 người: Vì sao không nên trốn ở nhà vệ sinh?

Căn nhà cấp 4 giờ chỉ còn lại đống tro tàn, tường cháy đen, nứt toác, vương vãi từng mảnh vụn, tài sản bị thiêu rụi và đau lòng hơn là năm con người trong một gia đình đã vĩnh viễn nằm lại sau vụ cháy thảm khốc đêm qua tại quận 9. Hai đứa trẻ chỉ mới cười nói với cha mẹ hôm qua nay đã thành trẻ mồ côi.

Người nhà nạn nhân thất thần bên góc nhà tang lễ bệnh viện. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Trốn trong nhà vệ sinh: Điều cấm kỵ

Nguyên nhân vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 27 tết này đang được cơ quan chức năng tích cực điều tra làm rõ. Tuy nhiên, từ việc ba trong năm thi thể được tìm thấy tại nhà vệ sinh nói lên một thực tế là khi xảy ra hỏa hoạn, nhiều người có thói quen chui xuống gầm giường hoặc chạy thẳng vào nhà vệ sinh mong sống sót mà không biết có thể sẽ mang lại hậu quả xấu hơn.

"Phải xem nhà vệ sinh có gần vị trí cháy hay không, bởi hướng quẩn của khói thường là nhà vệ sinh kín thấp. Chui vào nhà vệ sinh trốn khi có hỏa hoạn là điều cấm kỵ, nhiều nạn nhân tử vong trong các vụ cháy là do ngạt khi chạy vào đó" - công an lưu ý.

Còn một lãnh đạo Công an TP.HCM cho biết ông và đồng đội đã chứng kiến rất nhiều cái chết thương tâm xuất phát từ thói quen chui vào gầm giường, nhà vệ sinh, tủ… khi xảy ra hỏa hoạn. 

“Đám cháy sẽ lan tới nơi, người dân chưa chết vì cháy đã chết vì ngạt khói rồi. Khói độc mới là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều nạn nhân tử vong trong các vụ cháy. Chỉ cần hít phải vài ngụm khói độc đủ khiến người thể trạng yếu choáng váng, té xỉu. Ngoài ra, việc trốn ở những vị trí như gầm giường, nhà vệ sinh, tủ… còn khiến lực lượng cứu nạn cứu hộ khó tìm kiếm giải cứu” - vị lãnh đạo này cho biết.

"Đừng để mất bò mới lo làm chuồng"

Vậy nếu không may rơi vào trường hợp tương tự, phải làm như thế nào? Theo công an, trong trường hợp nhà chỉ có một cửa ra vào và cửa đó cũng đã bị chắn bởi xe cộ, vật dụng thì hãy nhúng ngay khăn, áo, khẩu trang... vào nước để tự làm mặt nạ phòng độc cho mình và người thân. "Lý do phải nhúng nước là vì nước giúp lọc độc hiệu quả hơn và khói khó xuyên qua được" - công an khuyến cáo.

Nhiều người dân quen biết với gia đình nạn nhân khi hay tin đã chạy đến để chia sẻ nỗi buồn. Ảnh: THANH TUYỀN

Cũng theo công an, ngay sau đó hãy tìm cách thoát ra ngoài bằng các lối thoát hiểm. Có thể là ra ban công, lên tầng thượng, leo sang mái nhà bên cạnh…

Với nhà ống chỉ có duy nhất một lối thoát hiểm thì phải căn cứ vào tình hình thực tế, tuy nhiên, nếu lửa mới bắt đầu, chưa quá lớn, người dân có thể thoát ra ngoài bằng cách nhúng chăn, mền vào nước trùm lên để chạy ra ngoài.  

Điều công an nói chung và lực lượng PCCC nói riêng băn khoăn là hỏa hoạn diễn ra trong tích tắc nếu không chủ động từ đầu rất khó ứng phó. Bởi tâm lý chung nạn nhân thường rất hoảng loạn. Nhiều gia đình nằm trong hẻm sâu, nhà khóa nhiều lớp cửa khiến việc phá khóa, đưa phương tiện cứu hỏa vào khó khăn và làm chậm quá trình chữa cháy...

Bởi vậy công an khuyến cáo chính người dân khi sống trong nhà phải tự đặt câu hỏi "Nếu không may nhà mình xảy ra hỏa hoạn, mình và người thân thoát ra bằng cách nào?", từ đó sẽ có phương án nếu tình huống xấu xảy ra.

"Ngày tết, nhu cầu sử dụng điện tăng cao rất dễ xảy ra chạm chập điện, chưa kể những thói quen "tự đốt nhà ngày tết" của người Việt như thắp nhang, đốt rác, nấu ăn... không che chắn, không người trông coi.

Lối thoát hiểm ở đây không chỉ là cửa chính, mà còn có thể là ban công, cầu thang thông lên tầng thượng, tum, ngó sang nhà bên lan can có thấp không, có thể leo qua đó rồi xuống an toàn hay không? Ngoài ra trong nhà nên trang bị sẵn trang thiết bị phá dỡ như xà beng, búa… và phổ biến cho mọi người" - công an khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm