Thông tin tiếp vụ NLĐ ở Nga kêu cứu: Cuộc đối thoại gay cấn suốt 7 giờ

Sáng 25-5, tại UBND xã Ba Vì đã có cuộc đối thoại giữa đại diện Công ty HICCI (công ty tuyển dụng) và gia đình người lao động (NLĐ) (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin). Trước đó, quá nóng lòng về số phận con em nhiều gia đình tự mướn xe định xuống Hà Nội kêu cứu với các cơ quan trung ương. Tuy nhiên, lãnh đạo xã khuyên ngăn nên họ quay lại.

Những phát pháo mở màn

Cuộc họp diễn ra trong nước mắt của thân nhân những NLĐ khi kể về tình cảnh của con em. Họ đau xót kể về điều kiện làm việc ngặt nghèo: ngày làm 15-18 tiếng, đi vệ sinh cũng phải ghi để trừ lương. Suốt mấy tháng không được đi ra khỏi xưởng không thấy ánh mặt trời; bệnh không có chế độ săn sóc thuốc men... Gần 10 người phản ảnh con họ cứ điện thoại về kêu cứu lúc nửa đêm: “Điện thoại chúng tôi reo suốt, mở lên là nghe tiếng khóc khiến lòng chúng tôi không phút nào yên”…

Ông Trần Văn Bình, Giám đốc HICCI, giải thích: Visa của những NLĐ là visa lao động, xưởng may Vinastar là một “xưởng may trắng” (hợp pháp). Công ty đảm bảo NLĐ sẽ hưởng các quyền lợi đúng với hợp đồng ban đầu. Ông Bình đổ lỗi NLĐ đang hoang mang vì vừa qua có bốn NLĐ người miền Nam xin đi ra ngoài chơi nhưng không được chấp nhận nên sinh ra bất mãn, tác động gây tâm lý tiêu cực. Việc không cho công nhân ra ngoài vì sợ công nhân trốn khỏi công ty. Về tiền lương, hợp đồng ghi 400 USD (8 triệu đồng) là lương khi thạo việc, thời gian qua NLĐ đang học việc. Ông Bình cam kết nếu có vài điểm sơ suất nào thì sẽ được điều chỉnh ngay trong tháng 5 này. Người dân phản bác: “Trong hợp đồng không nói đến thời gian học nghề, vả lại con chúng tôi đã tốt nghiệp nghề may. Hóa ra con chúng tôi phải làm không công hay sao?”.

Thông tin tiếp vụ NLĐ ở Nga kêu cứu: Cuộc đối thoại gay cấn suốt 7 giờ ảnh 1

Ông chủ tịch xã sau khi ký biên bản đã chuyển qua cho ông Trần Văn Bình và sau đó ông Bình đã ký. Ảnh: nguyễn dân

UBND xã đưa giải pháp

Ông Liên, Chủ tịch UBND xã, cho biết mấy ngày qua ông điên đầu vì những cú điện thoại phản ánh điều kiện sống, làm việc của NLĐ tồi tệ. Mỗi ngày làm 17, 18 tiếng là phạm luật. Ông Liên không đồng tình với lời giải thích không có lương là vì thử việc.

Chủ tịch xã đề nghị Công ty HICCI cam kết: Trước mắt phải bảo đảm tính mạng và sức khỏe cho NLĐ. Lâu dài phải thực hiện giờ làm việc đúng như trong hợp đồng ngày làm 8 tiếng, tăng ca không quá 12 tiếng. Trả lương thử việc cho NLĐ trong ba tháng vừa qua với mức lương 400 USD. Đảm bảo bữa ăn cho NLĐ đủ bữa, đủ chất. Trong những ngày nghỉ, không được nhốt NLĐ trong nhà. Nếu không đảm bảo được các yêu cầu trên thì phải cho NLĐ về nước. Mọi chi phí công ty phải lo.

Ông Bình hoàn toàn nhất trí với yêu cầu của chủ tịch xã. Đồng hồ lúc này đã chỉ 14 giờ 30, cuộc đối thoại tưởng sẽ kết thúc. Lãnh đạo xã cho đánh máy biên bản.

Lại tiếp tục giằng co

Khi biên bản vừa đánh máy xong thì 10 thân nhân NLĐ liên tục đấu tranh: “Công ty đã vi phạm hợp đồng, chúng tôi không còn tin tưởng sự hứa hẹn nào cả. Bây giờ chúng tôi chỉ có một lời dứt khoát phải đưa trả con em về không điều kiện”.

15 giờ, cuộc họp đã trải qua hơn 4 tiếng đồng hồ liên tục. Mọi người mệt lả vì đói, nóng và bực tức. Sau bữa giải lao 30 phút, bí thư Đảng ủy xã phát biểu chia sẻ bức xúc của người dân và đề nghị công ty nên làm theo yêu cầu của thân nhân 20 NLĐ. Ông Bình đứng dậy bật loa điện thoại: “Xin cô bác lắng nghe ý kiến của tổng giám đốc chúng tôi hiện nay đang ở xưởng may Vinastar tại Moskva”. Ông tổng giám đốc phủ nhận hoàn toàn việc làm quá giờ của các công nhân, việc phạt tiền lương. Về việc đi ra ngoài tiếp xúc với xã hội, ông cho rằng phải có thời gian và việc đi phải có người hướng dẫn…

Ba gia đình đứng lên bác bỏ hoàn toàn lập luận này: “Con em người Dao chúng tôi rất thật thà, chúng nó không bao giờ nói dối. Không phải chỉ có ý kiến trong vài ngày qua mà ngay tuần đầu tiên chúng nó đã điện thoại về cho bố mẹ than quá khổ và khó kéo dài”. Cả ba thân nhân đều chỉ lặp lại phải cho con chúng tôi về.

Phải đưa NLĐ trở về

Ông Bình lại khẩn thiết đề nghị bà con nên tin tưởng lời cam kết. Để xác tín, công ty sẽ đài thọ chi phí hoàn toàn cho một lãnh đạo xã qua Nga “tận mục sở thị”. Chủ tịch xã đứng bật dậy: “Lãnh đạo xã xin từ chối! Đề nghị bà con cử ra một người nào đó”.

Biên bản buổi họp đã phải viết lại lần thứ ba nhưng người dân vẫn không chịu ký. Cuối cùng Đảng ủy, HĐND, UBND xã đều đồng tình yêu cầu công ty phải tạo điều kiện để đưa tất cả công nhân Ba Vì trở về nhà. Mọi chi phí công ty phải chi trả. Ông Bình không còn lý lẽ nào hơn đã chấp nhận ký cam kết này. Lúc này đồng hồ chỉ 18 giờ.

NLĐ thường nói quá thực tế

Từ ngày 18-5, báo Pháp Luật TP.HCMđã cung cấp đơn cầu cứu của NLĐ tại xưởng may Vinastar cho Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH). Tuy nhiên, đến nay sau hơn một tuần lễ, NLĐ chưa nhận được thông tin phản hồi nào. Trong khi đó, công ty lại tự tin tuyên bố họ đã mua đứt đại sứ quán, đừng hòng có ai can thiệp làm NLĐ càng hoang mang lo lắng. Trước sự bức xúc lo âu căng thẳng của hàng trăm NLĐ và gia đình họ, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi qua điện thoại với ông Lê Văn Thanh, Cục phó Cục Quản lý Lao động ngoài nước, về vụ việc này. Ông Thanh cho biết: “Các xưởng may ở Nga có đặc thù riêng, trong khi đó NLĐ lại rất kỳ vọng. … cứ tưởng Moskva như trong phim ảnh. Khi đến xưởng may, họ thấy không như cam kết nên họ thất vọng. Mới làm tay nghề chưa có nên tiền lương chỉ trả ở mức có hạn, sau đó tay nghề nâng dần lên sẽ khoán sản phẩm.

. Thưa ông, thực tế tại Công ty Vinastar, một số người làm việc đã ba năm vẫn không có lương?

+ Cục đã gửi công văn sang Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva rồi, để kiểm tra trực tiếp xem thế nào. NLĐ có thông tin phản ánh là rất tốt nhưng phải kiểm tra thực tế số lao động bị đối xử không tốt nhiều hay ít.

. Từ ngày 18-5 đến nay đã hơn một tuần, NLĐ đang nôn nóng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng liên hệ?

+ Bây giờ đã gửi công văn sang Cục Lãnh sự, đại sứ quán rồi! Không phải như ở Hà Nội chạy tới xưởng kia mà được đâu, mà phải điện thoại mới gặp gỡ được. Tất nhiên đã rất tích cực rồi đấy!

. Cục sẽ có thêm động thái gì, thưa ông?

+ Thực ra đối tượng này không phải là đối tượng quản lý của Cục vì họ đi tự do mà. Nếu NLĐ tự đi thì chẳng ai bảo vệ cho. Tốt nhất là đi qua các công ty phái cử (công ty xuất khẩu lao động), để khi có chuyện gì họ còn đứng ra bảo vệ. Còn nghe theo cò mồi, môi giới giới thiệu thì rất nguy hiểm.

. Nhưng có ít nhất hơn 20 lao động ở Ba Vì đi thông qua công ty?

+ Nhưng ở công ty đấy không có NLĐ phản ảnh. Cục sẽ kiểm tra lại. Cục cũng yêu cầu một số công ty báo cáo rồi nhưng họ nói chưa có chuyện gì cả. Tới đây, chúng tôi yêu cầu thêm một lần nữa các công ty phải báo cáo lại thực tế như thế nào.

. Thưa ông, hiện nay NLĐ vẫn liên tục kêu cứu?

+ NLĐ thường nói quá thực tế. Họ kêu cứu như thế này, thế kia… Qua kiểm tra tại một số xưởng may so với quy định thì nó kém hơn, họ kêu nhưng vẫn cho rằng nơi này tốt lắm!

. Xin cảm ơn ông.

______________________________________________

Chủ tách nhóm, công nhân may tại Nga hoảng loạn

Từ khoảng 2 giờ sáng 25-5, chúng tôi nhận được tin nhắn và điện thoại cầu cứu dồn dập từ người lao động tại Công ty Vinastar (Nga). Họ lo lắng thông báo công ty này dự định chia nhỏ từng nhóm chuyển đến các xưởng may khác. Công ty đã mời từng nhóm lên văn phòng yêu cầu ký lại hợp đồng lao động và đính chính là đơn cầu cứu không đúng sự thật. Công ty thông báo sẽ di chuyển lao động đến một xưởng khác ở Tula (cách nơi làm việc hiện tại khá xa). NLĐ đã nhất quyết không ký và không rời khỏi xưởng. Chiều cùng ngày, 20 công nhân ở Ba Vì lại bị ép ký hợp đồng nhưng tất cả cùng phản đối.

NGUYỄN DÂN - PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm