Bộ GTVT cho biết chủ trương thực hiện thu phí không dừng (ETC) tại các trạm BOT được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2015. Quốc hội chỉ đạo thực hiện trong nghị quyết về BOT, Thủ tướng ra quyết định thực hiện vào năm 2017.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chậm nhất đến ngày 31-12-2019, các trạm thu phí trên toàn quốc phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ ETC để thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng.
Hai giai đoạn triển khai
Bộ GTVT cho biết để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, việc triển khai dịch vụ ETC được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (BOO1) với tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 44 trạm; bao gồm 26 trạm trên quốc lộ (QL) 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các QL khác được bổ sung vào dự án.
Thống kê của Bộ GTVT cho biết đến nay đã có 28 trạm thực hiện ETC với 115 làn, đã vận hành thương mại 27 trạm với 111 làn, đang vận hành thử nghiệm một trạm với bốn làn.
Đến ngày 8-7, các nhà đầu tư BOT quản lý 41 trạm thu phí đã cơ bản thống nhất ký phụ lục hợp đồng thực hiện ETC với Bộ GTVT. Còn ba nhà đầu tư dự án BOT (Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT, trạm Bắc Hải Vân; Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh, trạm Cam Thịnh; Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp) Bộ GTVT đã tiến hành đàm phán và cơ bản thống nhất nội dung phụ lục hợp đồng để triển khai dịch vụ ETC.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí tự động, tăng số lượng phương tiện dán thẻ, tránh ùn tắc giao thông tại các TP lớn, Bộ GTVT đã tập trung triển khai trước một số trạm ngoài QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên thuộc các cửa ngõ TP có lưu lượng lớn như trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Đồng Nai, An Sương - An Lạc, Mỹ Lộc, QL10…
Giai đoạn 2 (BOO2), tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 33 trạm, gồm 10 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (các trạm này đã triển khai tự động không dừng theo công nghệ cũ trước đây (OBU), hiện đang điều chỉnh công nghệ cho phù hợp) và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các QL khác.
Tuần qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ký hợp đồng triển khai dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 với Liên danh Viettel-Vietinf-VVT-ITD. “Theo kế hoạch, dự án sẽ lắp đặt và vận hành các trạm trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ” - Bộ GTVT cho biết.
Đến nay chủ đầu tư 44 trạm thu phí giai đoạn 1 cơ bản đã đồng thuận thực hiện thu phí không dừng. Ảnh: VIẾT LONG
Tỉ lệ trích nộp doanh thu chỉ là tạm tính
Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đưa tin còn ba nhà đầu tư dự án BOT dù đã đồng thuận phụ lục hợp đồng triển khai ETC với Bộ GTVT vào giờ chót (ngày 10-7) nhưng vẫn còn một số kiến nghị. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (nhà đầu tư trạm Bắc Hải Vân) cho rằng các nhà đầu tư còn một số ý kiến về triển khai dịch vụ ETC giai đoạn 1, bởi còn một số bất cập.
Thu phí không dừng là chủ trương lớn của Chính phủ nên cần thực hiện đúng lộ trình. Chúng ta chấp nhận có một giai đoạn quá độ để hoàn thiện. Trong quá trình triển khai, vấn đề gì chưa đầy đủ, chưa phù hợp phải bổ sung. Thứ trưởng Bộ GTVT LÊ ĐÌNH THỌ |
Cụ thể, mức phí phải trả cho nhà cung cấp dịch vụ ETC lớn (khoảng 2%-3% doanh thu dự án) và chưa rõ ràng làm phát sinh thời gian thu phí dự án. “Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu ký với nhà cung cấp dịch vụ ETC, chứ không phải Bộ GTVT. Ngoài ra, phải có bảo lãnh hoàn trả khoản tiền thu phí đúng thời hạn cho nhà đầu tư…” - đại diện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả nhấn mạnh.
Trả lời về vấn đề này, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết Chính phủ quy định trích doanh thu 2%-4,5% thu phí ETC của các trạm BOT để hoàn vốn cho đơn vị cung cấp thiết bị thu phí không dừng. Tỉ lệ này được các bộ, ngành thẩm định theo dự án của đơn vị cung cấp dịch vụ. Theo Tổng cục Đường bộ, so với phương án tài chính trước đây, việc trích doanh thu trên làm tăng thời gian thu phí của dự án chỉ từ hai ngày đến hai tháng và doanh nghiệp dự án được điều chỉnh phương án tài chính.
“Hiện đã có 41 trạm của giai đoạn 1 thực hiện và đồng ý thực hiện, nên việc các nhà đầu tư còn lại chưa đồng thuận chứng tỏ họ đang lấy lý do để đối phó” - vị lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nói.
Trước đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho biết tỉ lệ trích doanh thu bộ đưa ra chỉ là tạm tính. Khi nào thanh toán, quyết toán dự án thu phí không dừng mới có số liệu chính thức. Ông Thọ cũng cho biết tổng vốn đầu tư để lắp đặt thu phí không dừng tại 44 trạm BOT trên toàn quốc (giai đoạn 1) là 1.700 tỉ đồng và sẽ được phân bổ hợp lý, công bằng cho các dự án. Trạm gần TP với lưu lượng xe cao thì tỉ lệ trích phải cao, trạm nhỏ có doanh thu thấp thì trích vừa phải.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định không có chuyện nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ trạm cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, mà chỉ bàn giao một số làn để tổ chức thu phí theo công nghệ ETC. “Tất cả nhân sự, tài sản của trạm thu phí vẫn thuộc doanh nghiệp dự án quản lý” - ông Thọ nói.
Hạn chế của ETC và giải pháp Theo Bộ GTVT, việc triển khai hệ thống ETC trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra về số lượng phương tiện tham gia dịch vụ. Nguyên nhân là các quy định của pháp luật liên quan đến việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng chưa đầy đủ, đồng bộ dẫn đến số lượng phương tiện tham gia dịch vụ chưa cao. Cụ thể, chưa có chế tài bắt buộc phương tiện phải dán thẻ, sử dụng dịch vụ thu phí không dừng, thiếu các chế tài yêu cầu phương tiện không dán thẻ không được đi vào làn thu phí tự động… Ngoài ra, do hệ thống thu phí tự động không dừng liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể (nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, các ngân hàng, người sử dụng đường bộ) nên trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh các vướng mắc trong đàm phán làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án… Vì vậy, thời gian tới, Bộ GTVT kiến nghị sửa đổi Quyết định 07/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể, sẽ kiến nghị điều chỉnh quy định các phương tiện không dán thẻ sẽ không được đi vào làn ETC. Đề xuất bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến công tác thanh toán. “Bên cạnh đó, phối hợp hoàn thiện việc kết nối liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng với tài khoản giao thông nhằm tạo sự thuận lợi, minh bạch cho người sử dụng và sự đồng thuận của các ngân hàng cung cấp tín dụng cho các dự án BOT” - Bộ GTVT thông tin. |