...Đồng thời góp phần nâng cao thể chất con người khỏe mạnh thông qua ẩm thực Việt “ngon và lành” để làm giàu cho đất nước”, đây là ý kiến chia sẻ của ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Minh Long I, Phó Ban tổ chức tại vòng chung kết Chiếc thìa vàng năm 2016, diễn ra ngày 6-12.
Theo ông Sáng, ngay từ mùa đầu tiên (2013), ban tổ chức đã xác lập năm tiêu chí cụ thể cho hành trình bền bỉ nhằm tìm kiếm, bảo tồn và phát huy những món ăn dân dã truyền thống, mang đặc trưng văn hóa địa phương, vùng miền, cũng như tôn vinh những đầu bếp tài năng, nhà hàng- khách sạn đã góp sức làm giàu nền văn hóa ẩm thực Việt.
Các thí sinh đang chọn nguyên liệu cho mình
Vòng chung kết là cuộc tranh tài của top 15 đội đầu bếp trong hơn 30 tỉnh/thành trên khắp cả nước. Thử thách khó khăn nhất mà các đầu bếp sẽ đối diện chính là vào bếp mà không biết mình sẽ phải nấu món gì để chuẩn bị trước.
Theo đó, nguyên liệu, gia vị mới sẽ được ban tổ chức chọn, bí mật cho vào 15 “hộp đen” và niêm phong. Các đội sẽ bốc thăm, chọn trúng hộp đen có nguyên liệu gì, đội thi sẽ có một giờ 30 phút để lên ý tưởng thực đơn, với bốn món ăn.
Ấn tượng tại khu vực thi chính là một phiên chợ quê được tái hiện sinh động với cánh đồng bắp, các gian hàng với những tiểu thương trong bộ áo bà ba truyền thống. Hết thời gian quy định, chợ sẽ đóng cửa, các đầu bếp nếu thiếu nguyên liệu sẽ không được chọn thêm nữa.
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, giám khảo chuyên môn của cuộc thi, lý giải việc đặt các đầu bếp vào một đề thi bị động là cách ban giám khảo kiểm tra kỹ năng toàn diện của người đầu bếp.
Trong khoảng thời gian đó, các đầu bếp sẽ phải trổ tài, cần thể hiện kỹ năng, kỹ thuật, tâm lý và có chiến thuật tốt để giành chiến thắng.
Cuộc thi với tổng giải thưởng lên đến hơn 3 tỉ đồng, riêng chủ nhân của chiếc Cúp Đầu bếp và giải thưởng 1 tỉ đồng sẽ được công bố vào ngày 7-12.