Báo South China Morning Post (SCMP) thống kê đến 7 giờ 30 phút tối 14-3 cho thấy tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch COVID-19) là 5.509 người. Tổng số ca nhiễm là 143.518. Trên toàn thế giới có 72.001 ca chữa khỏi.
Trung Quốc có 80.824 ca nhiễm bệnh, 3.189 người đã tử vong và 65.541 bệnh nhân đã được xuất viện.
Ngoài Trung Quốc đã có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có trường hợp tử vong với 2.320 người. Nhiều nhất là Ý (1.266, chiếm gần 55% số người chết vì COVID-19 bên ngoài Trung Quốc), Iran (611), Tây Ban Nha (120), Pháp (79), Hàn Quốc (72) và Mỹ (49).
Các trường hợp tử vong còn lại ghi nhận ở Nhật (21), Hà Lan và Anh (mỗi nước 10). Đức, Philippines (tám). Thụy Sĩ, Iraq (sáu).
Indonesia, San Marino (năm). Hong Kong (bốn), Bỉ, Úc, Hy Lạp (ba). Ấn Độ, Lebanon, Argentina (hai),
Thụy Điển, Na Uy, Áo, Canada, Thái Lan, Ireland, Ai Cập, lãnh thổ Đài Loan, Ba Lan, Luxembourg, Algeria, Albania, Bulgaria, Panama, Morroco, Ukraine, Guyana, Sudan (một).
Một tuyến phố tại Manila (Philippines) trong tối 12-3, khi lệnh giới nghiêm chưa được thông báo. Ảnh: REUTERS
Tại Việt Nam, có 53 ca nhiễm bệnh, trong đó 16 bệnh nhân đã được hoàn toàn bình phục.
Philippines có tám người chết vì COVID-19, tăng bảy người sau năm ngày
Trong tuần này, số ca nhiễm bệnh ở Philippines đã tăng từ 24 (ngày 9-3) lên 64 ca (hết ngày 14-3) và có thêm bảy trường hợp tử vong, nâng số ca tử vong ở nước này lên tám người, theo SCMP.
Trước đó, Bộ Y tế (DOH) Philippines sáng 14-3 cho biết một người đàn ông 54 tuổi nhiễm COVID-19 đã qua đời vào tối 13-3. Đây là ca tử vong đầu tiên tại khu vực Midanao ở miền nam nước này, theo hãng tin Rappler.
Chưa có thông tin chi tiết về hai trường hợp tử vong mới nhất ở Philippines.
Rappler nhấn mạnh trong mỗi ngày 12-3 và 14-3, Philippines đã báo cáo thêm ba trường hợp tử vong .
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 12-3 đã công bố kế hoạch phong tỏa thủ đô Manila. Các biện pháp được áp dụng bao gồm cấm hoạt động ra và vào Manila, đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người và cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ các nước có dịch.
Lực lượng tuần duyên Philippines cũng đã ban hành chính sách "cấm thuyền" ở vịnh Manila từ ngày 14-3, một phần của lệnh phong tỏa tất cả tuyến đường nối vào TP.
Sau đó, lãnh đạo Cơ quan Phát triển Đại đô thị Manila, ông Jojo Garcia cho biết sẽ áp dụng đồng thời lệnh phong tỏa thành phố với lệnh giới nghiêm bên trong thành phố.
Theo Rappler, dự kiến vào ngày 16-3, Hội đồng Lập pháp địa phương sẽ chính thức thông qua sắc lệnh giới nghiêm thành phố từ 8 giờ tối với 5 giờ sáng.
Có thêm gần 100 người chết vì COVID-19 ở Iran
Người phát ngôn Bộ Y tế Iran, ông Kianoush Jahanpour thông báo trong ngày 14-3, đã có thêm 97 người chết vì COVID-19 và có 1.365 người nhiễm mới, theo trang tin Channel News Asia.
Tổng số trường hợp tử vong ở nước này đã là 611 người, trong khi số ca nhiễm là 12.729 người. Có khoảng 4.300 bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn.
Theo ông Jahanoiur, tỉnh Tehran là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất với 347 trường hợp, tiếp đến là TP Isfahan (155 trường hợp) và vùng Alborz ở phía bắc (134 trường hợp).
Ông giải thích "một cách tự nhiên, số ca nhiễm mới sẽ tăng" khi Iran tăng cường hoạt động sàng lọc và xét nghiệm người nghi nhiễm COVID-19.
Danh sách các nước đóng cửa biên giới dài thêm
Danh sách các quốc gia tăng cường các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch COVID-19 ngày càng tăng cao.
Theo hãng tin AP, Colombia đã tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với Venezuela và dừng nhập cảnh đối với du khách đến từ châu Âu và châu Á.
Saudi Arabia cũng hoãn tất cả chuyến bay quốc tế trong vòng hai tuần, bắt đầu từ ngày 15-3, hãng thông tấn nhà nước SPA cho hay.
Campuchia tuyên bố từ ngày 17-3 sẽ cấm nhập cảnh đối với du khách Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ, theo báo The Guardian. Lệnh cấm sẽ kéo dài 30 ngày.
Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern. Ảnh: AFP
Đài Loan thông báo sẽ yêu cầu du khách đến từ châu Âu lục địa, Anh và Ireland phải tự cách ly trong 14 ngày từ khi nhập cảnh. New Zealand cũng áp dụng biện pháp tương tự với tất cả trường hợp nhập cảnh.
Theo AP, Thủ tướng New Zealand - bà Jacinda Ardern còn kêu gọi các du thuyền không đến nước này cho đến ngày 30-6 sau khi các tàu như Diamond Princess hay Grand Princess trở thành ổ dịch.
"Bên cạnh Israel và một số các quốc đảo Thái Bình Dương, nơi đã đóng cửa biên giới một cách hiệu quả, quyết định này có nghĩa là New Zealand sẽ có nhiều nhất các lệnh hạn chế và các lệnh hạn chế này nghiêm ngặt hơn ở bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới" - bà Ardern nói.
Cú đánh mạnh vào làng thể thao thế giới
AP cũng xây dựng một danh sách tổng hợp các sự kiện thể thao đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Có ít nhất 40 môn thể thao có sự kiện bị hủy, hoãn hoặc thi đấu mà không có khán giả. Có hàng trăm sự kiện bị ảnh hưởng.
Nhiều giải đấu cấp thế giới (World Cup) ở ít nhất 14 môn thể thao nằm trong danh sách này. Điển hình như vòng loại World Cup bóng đá nam bị dời lại nhiều tháng, World Cup bắn cung tổ chức ở Trung Quốc bị hủy bỏ, các chặn của World Cup thể dục dụng cụ được tổ chức ở Ý, Đức, Úc và Qatar bị hủy hoặc hoãn.
Riêng đối với môn bóng đá, ban tổ chức các giải đấu ở châu Âu đang phải đau đầu khi nhiều ông lớn như Arsenal, Chelsea (Anh) và Juventus, Fiorentina (Ý) lần lượt phát hiện các ca nhiễm bệnh.
Huấn luyện viên trưởng CLB Arsenal, ông Mikel Arteta đã có kết quả dương tính với virus gây dịch COVID-19. Cầu thủ chạy cánh Callum Hudson-Odoi của CLB Chelsea và hậu vệ Daniele Rugani của CLB Juventus cũng bị phát hiện nhiễm bệnh. Mới đây nhất, CLB Fiorentina thông báo hai cầu thủ và một chuyên gia thể lực cũng nhiễm bệnh, theo The Guardian.
Các giải đấu như Seria A (Ý), La Liga (Tây Ban Nha), Ligue 1 (Pháp) và giải Ngoại hạng, cúp FA và cúp Liên đoàn Anh đã tạm hoãn một số vòng đấu vì lo ngại dịch COVID-19.