Tính đến 19 giờ 30 tối 6-4, trang thống kê Wordometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 70.344 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 1.285.257 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 998 người, số ca nhiễm tăng 15.958 người. Hiện đại dịch đã lan ra 208 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 271.847 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 10.647 người so với sáng cùng ngày.
Người dân Nhật đeo khẩu trang đi bộ trên đường phố Tokyo ngày 2-4. Ảnh: SKY NEWS
Dịch ở Nhật diễn biến xấu, sắp ban bố tình trạng khẩn cấp
Đến tối 6-4, Nhật ghi nhận 3.654 ca nhiễm COVID-19 với 85 người tử vong. Tokyo tiếp tục là khu vực dịch diễn biến nghiêm trọng nhất khi ghi nhận tới 143 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đánh dấu mức tăng trong ngày cao nhất tại TP này kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, nâng tổng số ca nhiễm tại thủ đô lên 1.033 trường hợp.
Trước tình hình trên, hãng tin Kyodo News dẫn lời một quan chức Nhật cho biết Thủ tướng Shinzo Abe đang lên kế hoạch tuyên bố tình trạng khẩn cấp và sẽ nhắm mục tiêu tới các thành phố lớn như Tokyo và Osaka.
Tuyên bố được đưa ra dựa trên đạo luật sửa đổi gần đây của Nhật, trao quyền cho các chính quyền địa phương trong việc yêu cầu người dân ở trong nhà, đóng cửa các trường học và các cơ sở khác. Tình trạng khẩn cấp sẽ hạn chế các quyền cá nhân, cho phép lãnh đạo các tỉnh kêu gọi hành động cụ thể nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của virus.
Nhật trong ngày 6-4 cũng thông báo gói cứu trợ kinh tế 989 tỉ USD, tương đương 20% GDP nước này và lớn hơn so với gói cứu trợ từng được nước này tung ra hồi khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Thống kê của chính phủ Nhật công bố ngày 6-4 cũng cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân nước này trong tháng 3 vừa qua đang ở mức 30,9. Đây là mức giảm tháng thứ ba liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 3-2009.
Số người nhiễm ở Nga tăng kỷ lục lên hơn 6.000
Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Trung tâm ứng phó khủng hoảng của Nga ngày 6-4 cho biết trong vòng 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 954 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số người nhiễm lên 6.343.
Đây là ngày có thêm nhiều người nhiễm nhất tại Nga, trong đó các ca bệnh chủ yếu tập trung ở thủ đô Moscow - với 591 ca. 47 trường hợp tử vong do COVID-19 cũng được ghi nhận.
Theo giới chức y tế Nga, khoảng 80% bệnh nhân COVID-19 ở nước này trong độ tuổi 18-60, trong khi số bệnh nhân trên 60 tuổi chiếm khoảng 15%, và 5% là trẻ em.
Moscow hiện là tâm dịch lớn nhất ở Nga. Moscow bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa vô thời hạn toàn thủ đô với hơn 3 triệu dân kể từ ngày 30-3 trong nỗ lực nhằm ngăn dịch lây lan.
Sau Moscow, các địa phương khác ở Nga cũng bắt đầu triển khai lệnh phong tỏa hoặc các biện pháp hạn chế đi lại, trong đó có St. Petersburg. Người dân trong các khu vực phong tỏa chỉ được phép ra khỏi nhà với các lý do cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men hay các lý do y tế khác.
Trong khi đó, tất cả cơ sở kinh doanh, trừ kinh doanh hàng thiết yếu và hiệu thuốc, sẽ phải đóng cửa. Một số công viên lớn cũng bị buộc đóng cửa, trong khi người dân được khuyến cáo ở trong nhà nhiều nhất có thể, tránh tập trung đông người.
Nga cũng đã ngừng nhập cảnh đối với công dân nước ngoài, tạm ngừng các chuyến bay quốc tế. Cuối tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các biện pháp ứng phó triệt để hiện nay ông tin Nga có thể ngăn chặn thành công dịch COVID-19 trong vòng vài tháng tới.
Nhiễm mới giảm, có tín hiệu tích cực từ Tây Ban Nha
Ngày 6-4, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo trong 24 giờ qua, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 637 ca lên 13.055 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm đã tăng từ 130.759 ca lên 135.032 ca, theo hãng tin Al Jazeera.
Dù Tây Ban Nha có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ý (15.887 tính đến sáng 6-4), song số ca tử vong tại nước này đang có xu hướng giảm dần kể từ khi lên mức đỉnh là 950 ca vào ngày 2-4 vừa qua.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đang lên kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng bao gồm cả những người không có triệu chứng nhiễm COVID-19, trong bước đi đầu tiên nhằm nới lỏng dần lệnh phong tỏa.
Phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez nêu rõ để chuẩn bị cho việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, điều quan trọng là phải xác định được những người lây nhiễm trong cộng đồng. Cho đến nay, Tây Ban Nha mới chỉ xét nghiệm cho những người đã nhiễm hoặc nghi nhiễm.
Việc xét nghiệm trên quy mô lớn sẽ giúp xác định được những người mang mầm bệnh nhưng lại chưa có triệu chứng. Các công ty Tây Ban Nha đã sản xuất 240.000 kit xét nghiệm/tuần và đang nỗ lực tăng công suất, trong khi các thiết bị đang được đặt mua từ nước ngoài.
Tây Ban Nha đã triển khai biện pháp phong tỏa kể từ ngày 14-3. Cuối tuần qua, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo sẽ kéo dài lệnh này cho đến ngày 26-4 tới.