Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý ghi nhận 525 ca tử vong trong vòng 24 giờ ngày 5-4, thấp hơn 23% so với 681 người chết của ngày 4-4 và là con số thấp nhất kể từ ngày 19-3 với 427 ca tử vong.
Số ca nhiễm mới trong ngày 5-4 là 4.316, đưa tổng số ca nhiễm nước này lên 128.948.
Đây là mức nhiễm mới thấp nhất trong năm ngày, thêm một dấu hiệu cho thấy có khả năng dịch đã đạt đỉnh, khoảng sáu tuần sau khi bắt đầu bùng phát ở miền Bắc nước này vào ngày 21-2.
Chuẩn bị cho "giai đoạn 2"
Các số liệu được công bố những ngày gần đây và đặc biệt hôm 5-4 cho thấy hiệu quả của lệnh phong tỏa toàn quốc mà chính phủ Ý áp dụng từ ngày 9-3.
Người vô gia cư ở Ý nằm ngủ ở trên đường phố Naples (Ý). Ảnh: REUTERS
Lệnh phong tỏa quốc gia hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại của người dân và đóng băng tất cả hoạt động kinh tế không thiết yếu, sẽ vẫn còn kéo dài đến ít nhất ngày 13-4 và dự kiến sẽ được gia hạn thêm. Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho rằng còn quá sớm để nói khi nào lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Nhiều quan chức y tế và chuyên gia cũng cảnh báo người dân không nên lơ là trước tình hình này.
"Đừng mất cảnh giác, hãy ở trong nhà" - Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Dân sự Angelo Borelli cảnh báo người dân.
Một tượng đá ở một đài phun nước tại Naples, Ý. Ảnh: REUTERS
Trước diễn biến chững lại của dịch, trong ngày 5-4, các quan chức Ý cho biết họ sẽ cân nhắc bắt đầu "giai đoạn 2" trong tiến trình chống COVID-19.
"Nếu những con số này tiếp tục (trong những ngày tới), chúng tôi sẽ bắt đầu suy nghĩ về giai đoạn 2" - theo ông Silvio Brusaferro - Giám đốc Viện Y tế quốc gia Ý.
Năm điểm cho giai đoạn 2:
Nói trước báo giới ngày 5-4, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza thừa nhận: "Những tháng khó khăn vẫn còn phía trước. Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo điều kiện để mọi người chung sống với virus, ít nhất là cho đến khi vaccine được phát triển".
Bộ trưởng Speranza đã phác thảo một kế hoạch hành động gồm năm bước cho giai đoạn 2:
Thứ nhất, chính phủ sẽ bắt đầu cho người dân Ý đi làm lại nhưng họ buộc phải luôn đeo khẩu trang, cũng như giữ khoảng cách tối thiểu 2 m ở nơi công cộng.
Thứ hai, bất cứ ai có triệu chứng nhiễm COVID-19 dù nhẹ nhất cũng phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế và phải cách ly trong hai tuần.
Một người đàn ông đạp xe trên quảng trường Piazza Garibaldi vắng vẻ ở Ý. Ảnh: REUTERS
Thứ ba, chính phủ Ý sẽ cung cấp hàng chục ngàn bộ dụng cụ xét nghiệm để xác nhận được người có kháng thể virus SARS-CoV-2. Những người đã nhiễm, khỏe lại và có miễn dịch với căn bệnh này sẽ được phép đi làm trở lại. Mặc dù vậy, nguyên tắc này vẫn chưa thể áp dụng ngay vì Ý vẫn chưa có bất kỳ bộ dụng cụ xét nghiệm nào như vậy và cũng không biết khi nào sẽ có.
Thứ tư, chính phủ sẽ xây dựng nhiều bệnh viện dành riêng chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 trên cả nước.
Thứ năm, tăng sử dụng các ứng dụng điện thoại để "tăng cường theo dõi người nhiễm bệnh". Biện pháp này đã được thử nghiệm tại Hàn Quốc và Israel nhưng hiện vẫn còn gặp tranh cãi.
Nền kinh tế gánh chịu hậu quả
Bên cạnh cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, chính phủ Ý cũng đang vật lộn với sự tàn phá kinh tế do hoạt động kinh doanh trên toàn quốc phải đóng cửa.
Tổng Liên đoàn Công nghiệp Ý ước tính tổng sản lượng quốc nội (GDP) năm nay sẽ giảm 6% nếu lệnh phong tỏa vẫn tiếp tục đến cuối tháng 5. Nếu lệnh phong tỏa còn kéo dài, thì cứ sau mỗi tuần GDP của Ý sẽ giảm thêm 0,75%. Năm ngoái Ý là quốc gia có GDP đứng thứ ba Liên minh châu Âu.
Chính phủ của Thủ tướng Conte dự kiến sẽ công bố các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp mới cho các doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình như phần mở rộng của chương trình trị giá 25 tỉ euro được công bố vào tháng trước.