Tính đến 19 giờ 05 phút tối 9-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 89.681 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 1.531.914 ca nhiễm. Tỉ lệ tử vong trung bình toàn cầu đang là 5,8%.
Như vậy, so với số liệu sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.363 người, số ca nhiễm tăng 23.023 người. Hiện đại dịch đã lan ra 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 337.276 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 7.725 người so với số liệu sáng nay.
Ấn tượng với số lượng bệnh nhân hồi phục
Trong khi số ca nhiễm COVID-19 và ca tử vong vì căn bệnh này tiếp tục gia tăng thì số người được chữa khỏi bệnh cũng không hề ít - chiếm tỉ lệ hơn 22% trong tổng số ca nhiễm.
Người dân Bắc Kinh (Trung Quốc) tuân thủ đeo khẩu trang khi di chuyển tại một ga tàu điện ngầm. Ảnh: AP
Trên thực tế, số người hồi phục sau khi nhiễm có thể cao hơn nhiều, do nhiều người có thể đã nhiễm và tự khỏi mà không hề biết.
Trung Quốc hiện là nước có số ca hồi phục (được ghi nhận chính thức) nhiều nhất thế giới: 77.370, tiếp theo là Tây Ban Nha với 52.165 ca, Đức với 46.300 ca, Iran với hơn 29.812 ca, Ý với 26.491 ca, Mỹ với 22.891 ca, Pháp với 21.254 ca.
Nga: Lượng ca nhiễm tăng báo động
Trong vòng 24 giờ, Nga ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới tăng kỷ lục, thêm 1.459 ca trong một ngày. Tính đến nay, nước Nga đã có tổng cộng 10.131 ca nhiễm.
Tính đến hết ngày 8-4, nước Nga cũng ghi nhận thêm 13 trường hợp tử vong vì COVID-19, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 76 ca.
Hầu hết ca nhiễm COVID-19 ở Nga đều ở thủ đô Moscow. Vậy nên, kể từ ngày 30-3, tất cả 12 triệu dân của Moscow đã được lệnh ở nhà và chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết, theo báo Moscow Times.
So với nhiều nước thì Nga đã hành động khá sớm để kiểm soát dịch. Tuy nhiên, gần đây số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng, buộc nước này phải dần đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như đóng cửa biên giới và tăng cường hướng dẫn người dân ở nhà.
Trung Quốc đẩy mạnh ký hợp đồng cung cấp thiết bị y tế ra thế giới
Các công ty Trung Quốc đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị y tế với 58 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng bốn cơ quan quốc tế, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
“Hơn 70 quốc gia và 10 tổ chức quốc tế đang đàm phán với các công ty Trung Quốc về việc mua thiết bị y tế” - phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Gao Feng cho biết tại một cuộc họp báo diễn ra hôm 9-4.
Khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc được nhìn thấy ở thành phố San Ramon, bang California, Mỹ. Ảnh: GETTY
Từ ngày 1-3 đến 4-4, Trung Quốc đã xuất khẩu 1,44 tỉ USD hàng hóa, thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh. Trong đó bao gồm 3,8 tỉ khẩu trang, 37,5 triệu bộ quần áo bảo hộ, 16.000 máy thở và 2,8 triệu bộ xét nghiệm COVID-19.
Do đại dịch đang lan rộng trên khắp thế giới nên các quốc gia ra sức cạnh tranh để có thể mua được các thiết bị y tế quan trọng để phục vụ công tác phòng dịch cũng như điều trị.
Tây Ban Nha đã hơn 15.000 người chết
Tây Ban Nha là nước có dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tính đến nay, nước này đã có 152.446 người bị nhiễm bệnh.
Tây Ban Nha cũng đã có tới 15.238 ca tử vong do dịch COVID-19, Bộ Y tế nước này công bố hôm 9-4.
Tây Ban Nha ghi nhận hơn 15.000 ca tử vong vì COVID-19. Ảnh: GETTY
Mặc dù số ca tử vong vẫn tăng nhưng Bộ Y tế nước này cho biết số người chết hàng ngày đã chậm lại. Số người chết trong vòng 24 giờ qua ở Tây Ban Nha là 683, thấp hơn số 757 người chết trong ngày trước đó, theo đài CNN. Hôm 9-4, tỉ lệ ca tử vong tính trên số ca nhiễm chỉ tăng 4,7%, thấp hơn ngày trước đó là 5,5%.
Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng báo cáo 52.165 bệnh nhân COVID-19 hiện đã hồi phục và được xuất viện, cao hơn 4.144 trường hợp so với số liệu một ngày trước đó.