Chiều 24-5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đơn vị vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ, Cục Quản lý đường bộ IV và Công ty cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ về giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2.
Theo đó, để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ sau khi thông xe cầu Vàm Cống, ngày 14-5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với Ban An toàn giao thông, Sở GTVT các tỉnh trên.
Thời gian qua Bộ GTVT đã giảm phí cho người dân khu vực trạm T2.
Căn cứ các ý kiến tại cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng về việc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ đối với trạm thu phí T2, đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2 đối với các khu vực lân cận mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
“Tiếp tục cập nhật, xem xét giảm giá cho các phương tiện thuộc diện được giảm giá đối với các khu vực lân cận trên địa bàn tỉnh An Giang và TP Cần Thơ như phương án đã được duyệt...”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Thông tin.
Về đề nghị giảm phí của UBND tỉnh Đồng Tháp, căn cứ phạm vi bán kính tối đa 10km quanh trạm thu phí T2 theo hướng dẫn của Bộ GTVT (tại văn bản số 11519/2017, mức giảm giá đối với các phương tiện đã được Bộ GTVT phê duyệt), Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận và hướng dẫn tương tự như đối với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ. Đồng thời, phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2 đối với các khu vực lân cận trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Thời gian đề nghị gửi văn bản cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 5-6.
Ngoài ra, đề nghị tỉnh Đồng Tháp tổ chức tuyên truyền, vận động lái xe và người dân thực hiện, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về an ninh, trật tự giao thông, phòng ngừa các tình huống gây mất trật tự, mất an toàn giao thông.
Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của địa phương rà soát các phương tiện thuộc diện được giảm giá và phối hợp với nhà đầu tư để thực hiện giảm giá như phương án đã được duyệt.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng giao Cục Quản lý đường bộ IV chủ trì, tổ chức thực hiện kiểm tra xác định lưu lượng phương tiện lưu thông trên phạm vi của dự án.
Cụ thể, kiểm tra để xác định cụ thể chủng loại phương tiện, lưu lượng phương tiện qua trong ngày tại các vị trí như nút giao quốc lộ 80 với quốc lộ 91 và nút giao quốc lộ 80 lên cầu Vàm Cống.
Thời gian kiểm tra trong ba ngày liên tục, từ ngày 25-5 đến ngày 27-5. Mỗi ngày tổ chức kiểm tra, đếm xe 24/24 giờ. Báo cáo kết quả về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong ngày 28-5.
Trước đó, trả lời PV PLO, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định phương án dời trạm là không thể. Vì nhà đầu tư mới tiến hành thu phí hoàn vốn cho dự án, số tiền còn lại rất lớn, Nhà nước không có tiền để mua lại trạm. “Như chúng tôi đã nhiều lần nói, do ngân sách hạn hẹp, nên Nhà nước phải kêu gọi tư nhân đầu tư. Và đương nhiên, doanh nghiệp phải thu hồi vốn đã đầu tư… nên rất cần sự chia sẻ của người dân”, vị lãnh đạo này thông tin và cho rằng cầu Vàm Cống được hoàn thành và không thu phí là một trong những biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
Về đề xuất làm thẻ tính theo km quãngđường, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng đối với trạm T2 áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt, bởi có nhiều đường nhánh), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (theo chiều dài quãng đường thực đi, hiện chỉ áp dụng cho đường cao tốc vì khép kín).
“Hình thức thu phí này cũng được triển khai trên cả nước đối với các dự án nâng cấp, mở rộng, vì vậy cần có sự thống nhất…”, vị lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.