Tổng thư ký LHQ sang Nga và Ukraine, nỗ lực cứu dân thường

(PLO)- Liên Hợp Quốc quyết liệt hành động để hỗ trợ Ukraine khi nước này đang đối mặt với thảm họa nhân đạo lớn dần do ảnh hưởng từ xung đột với Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 26-4 (giờ địa phương), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đến thăm chính thức Nga và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin cùng một số quan chức khác về tình hình xung đột giữa nước này với Ukraine. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Guterres tới Moscow từ khi chiến sự hai bên nổ ra.

Trọng tâm là cứu trợ nhân đạo

Theo tờ The Guardian, trong cuộc đối thoại đầu tiên ở Moscow với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ông Antonio Guterres khẳng định LHQ đã sẵn sàng huy động các nguồn lực để sơ tán dân thường khỏi TP Mariupol và nói thêm rằng ông đến với tư cách một sứ giả hòa bình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tiếp đón Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ở thủ đô Moscow hôm 26-4. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tiếp đón Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ở thủ đô Moscow hôm 26-4. Ảnh: AFP

Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh thêm sự cần thiết phải có các hành lang nhân đạo ngay lập tức để đưa dân thường ra khỏi các thành phố bị bao vây như

Mariupol, cũng như cung ứng thực phẩm, thuốc men và các hàng hóa cơ bản khác cho dân. Ông Guterres cũng đã đề xuất thành lập một nhóm liên lạc gồm các đại diện của LHQ, Nga và Ukraine. Nhóm này sẽ cùng bàn bạc, thảo luận về các điều kiện để mở các hành lang nhân đạo cho thường dân rời khỏi các khu vực chiến sự.

Dù vậy, trong cuộc họp báo sau đó, ông Guterres cho rằng “đang có hai lập trường khác nhau rõ ràng giữa thế giới và Nga về những gì đang xảy ra ở Ukraine”, điều này cho thấy ít hy vọng về giảm nhiệt xung đột.

Đáp lại trong cuộc họp báo, ông Lavrov khẳng định Moscow luôn sẵn sàng hợp tác với LHQ và ủng hộ tìm kiếm giải pháp ở Ukraine thông qua đàm phán. «Mục tiêu chủ yếu của chúng tôi là bảo vệ thường dân và ở điểm này chúng tôi sẵn sàng phối hợp với LHQ để giảm bớt những rủi ro, tác động nguy hiểm cho người dân” - ông Lavrov nêu cam kết.

Trong cuộc hội đàm thứ hai với Tổng thống Vladimir Putin cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Guterres đã bày tỏ lo ngại trước tình hình chiến sự ngày càng ác liệt giữa các lực lượng Nga và Ukraine cũng như thảo luận về một số nội dung liên quan tới luật pháp quốc tế và cơ sở pháp lý cho hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.

Về vấn đề nhân đạo, ông Guterres tiếp tục lặp lại việc LHQ và các tổ chức quốc tế khác sẵn sàng hỗ trợ sơ tán dân thường bị mắc kẹt cùng các chiến binh Ukraine tại Mariupol. Phần mình, Tổng thống Putin nói rằng dân thường bị mắc kẹt là do các binh lính Ukraine và cho biết đã có hơn 100.000 người rời khỏi Mariupol từ các hành lang nhân đạo do Nga thiết lập.

“Họ có thể đi bất cứ đâu, một số muốn đến Nga, một số đến Ukraine. Bất cứ nơi nào - chúng tôi không giữ họ và chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi hình thức hỗ trợ» - đài RT dẫn lời ông Putin.

Sau Moscow, dự kiến Tổng thư ký LHQ Guterres sẽ đến Ukraine và hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky vào ngày 28-4 (giờ địa phương), cũng với mục tiêu chính là hòa giải và tìm phương án hỗ trợ nhân đạo, sơ tán dân thường bị mắc kẹt ở các vùng chiến sự.

Hơn 200 dân thường đã được anh Mykhailo Puryshev, 36 tuổi sơ tán khỏi Mariupol với sáu chuyến đi nguy hiểm bằng một xe tải nhỏ “nát” vì bom đạn, giữa vòng vây và đà không kích liên tục của quân đội Nga.

Theo hãng tin Reuters

Tăng viện trợ nhân đạo cho Ukraine

Cũng trong ngày 26-4, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) công bố báo cáo về tình hình chiến sự Nga - Ukraine, trong đó tăng gấp đôi mức kêu gọi hỗ trợ cho Ukraine trong bối cảnh chiến sự leo thang gây thiệt hại nặng nề cơ sở vật chất và ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của người dân.

Cụ thể, cơ quan này ước tính cần hơn 2,25 tỉ USD để đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ người dân trong nước Ukraine đến hết tháng 8. Mức kêu gọi mới cao hơn gấp đôi số tiền 1,1 tỉ USD mà LHQ đưa ra hồi đầu tháng 3 để hỗ trợ người dân Ukraine trong vòng ba tháng. OCHA cũng ước tính số người cần hỗ trợ nhân đạo tại Ukraine là 15,7 triệu - tăng so với mức 12 triệu người đưa ra trước đó.

Phát ngôn viên Jens Laerke của OCHA cho biết hiện đã kêu gọi được 980 triệu USD tiền hỗ trợ từ các cá nhân và tổ chức quốc tế, tương đương 44% mức cần thiết. LHQ và các đối tác với số tiền này đã tiếp cận và hỗ trợ thành công 3,4 triệu người tại Ukraine, theo đài RT.

“Các khoản đề nghị hỗ trợ do OCHA đưa ra sẽ được phân bổ cho nhiều hoạt động cứu trợ khác nhau như đảm bảo lương thực, nước sạch, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và nơi trú ẩn, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ khác quy mô lớn hơn. Việc duy trì nguồn tài chính hỗ trợ từ quốc tế là tối quan trọng để đảm bảo những đối tượng bị chiến tranh ảnh hưởng được giúp đỡ kịp thời” - ông Laerke nói.

Trong khi đó, phát ngôn viên Shabia Mantoo thuộc Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) nhận định rằng tình hình ở Ukraine vẫn đang hết sức phức tạp, nhất là trên phương diện nhân đạo. Chỉ sau hai tháng chiến sự bùng phát, số người Ukraine phải chạy khỏi đất nước và xin tị nạn ở các quốc gia khác đã lên tới hơn 5,2 triệu.

“Đây là quy mô chưa từng thấy ở một cuộc xung đột diễn ra trong thế kỷ này và thảm họa đang lớn dần. Các làn sóng tị nạn rời khỏi Ukraine đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Chúng tôi dự đoán trong những tháng tới, số người Ukraine tha hương sẽ tăng lên tới 8,3 triệu” - theo bà Mantoo.

Đại diện UNHCR đồng thời cảnh báo nếu xung đột không kết thúc sớm, ảnh hưởng của nó lên người dân sẽ hết sức sâu rộng và kéo dài, nhất là khi 90% trong số này là phụ nữ và trẻ em.•

Ông Putin: Vẫn còn hy vọng cho đàm phán hòa bình

Trao đổi với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trong cuộc hội đàm ngày 26-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin khi nhắc về đàm phán hòa bình với phía Ukraine đã khẳng định vẫn còn hy vọng hai bên đạt được một thỏa thuận kết thúc chiến tranh bằng biện pháp ngoại giao.

Dù vậy, nhà lãnh đạo Nga cũng cho hay hiện các nỗ lực đàm phán với Ukraine đã bị chệch hướng sau những cáo buộc về hành vi của lực lượng Nga ở thị trấn Bucha, ngoại ô Kiev. “Có những hành động khiêu khích đã xảy ra ở làng Bucha nhưng quân đội Nga không liên quan. Chúng tôi biết ai đã chuẩn bị cho những hành động khiêu khích này, bằng phương tiện gì và những ai đã tham gia” - ông Putin khẳng định.

Ông nói thêm là ông «hiểu rõ những lo ngại về hoạt động quân sự của Nga” ở Ukraine và sẵn sàng thảo luận về vấn đề này nhưng lưu ý rằng tình trạng hỗn loạn ở Ukraine thực tế đã có từ trước và xuất phát từ “cuộc đảo chính chống chính phủ” vào năm 2014.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm