Trả phí chia sẻ thông tin báo chí-Bài cuối: Chuyên gia chỉ cách đàm phán hiệu quả với Google, Facebook

(PLO)- Chuyên gia lý giải vì sao Google và Facebook nên trả phí chia sẻ thông tin báo chí và bàn cách các nước có thể đàm phán hiệu quả với các nền tảng công nghệ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước việc những gã khổng lồ công nghệ như Google và Facebook sử dụng nội dung báo chí nhưng không chia sẻ doanh thu, nhiều quốc gia đã vào cuộc hành động để buộc các nền tảng trên phải trả phí chia sẻ thông tin báo chí.

Vậy triển vọng của những nỗ lực này ra sao?

Bài cuối trong vệt bài cuộc chiến giữa các nước và các nền tảng công nghệ để buộc các nền tảng này phải trả phí chia sẻ thông tin báo chí sẽ đề cập ý kiến chuyên gia rằng vì sao Google và Facebook nên trả phí chia sẻ thông tin báo chí và cách các nước có thể đàm phán với các nền tảng công nghệ này.

Tại sao Google và Facebook nên trả phí chia sẻ thông tin báo chí?

Lý do đầu tiên chính là nhằm tạo sự công bằng giữa báo chí và các nền tảng công nghệ. Tờ The Guardian ghi nhận một thực tế là hiện nay hầu hết các nền tảng như Google, Facebook đã sử dụng tin tức từ báo chí để thu hút lượt truy cập và đem về doanh thu quảng cáo cho mình mà không phải trả bất cứ phí gì cho các cơ quan báo chí.

Một khảo sát của ĐH Canberra (Úc) vào năm 2019 cho thấy hơn một nửa dân số Úc tiếp cận tin tức báo chí thông qua Google và Facebook. Một khảo sát khác vào năm 2018 chỉ ra rằng cứ 100 AUD chi cho quảng cáo ở Úc thì 49 AUD vào tay Google và 24 AUD vào tay Facebook, tất cả trang web còn lại chia sẻ với nhau số tiền 27 AUD.

Thực tế này đang tạo ra sự bất công vì trong khi các cơ quan báo chí phải trả lương cho phóng viên, biên tập viên thì các nền tảng công nghệ không cần đầu tư cho khoản này.

Trả phí chia sẻ thông tin báo chí-Bài 3: Các nước nên làm gì để đạt được thỏa thuận với Google, Facebook?
Các nước nên làm gì để đạt được thỏa thuận với Google, Facebook? Ảnh minh họa: AFP

Thứ hai, nếu nhận được doanh thu từ các nền tảng công nghệ, báo chí sẽ có nguồn lực để phát triển tin tức chất lượng, đa dạng và chính xác cho độc giả. Trên cơ sở này, các cơ quan báo chí có thể thu hút người đọc trả tiền trực tiếp cho nội dung, từ đó sẽ giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số, theo tờ India Today.

Chẳng hạn, kể từ khi Úc đạt được thỏa thuận chia sẻ doanh thu với Google và Facebook, tờ The Guardian Australia - một trong những cơ quan báo chí nhận được tiền từ Google và Facebook - đã tuyển dụng thêm hàng chục nhà báo và mở rộng quy mô hoạt động. Các trường báo chí cũng cho biết sinh viên của họ được tuyển dụng nhiều hơn.

Lý do thứ ba là nhằm hạn chế tin giả. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng các nền tảng như Google và Facebook thu lợi từ tin giả do cấu trúc thuật toán của họ.

Chẳng hạn, 48% tổng lưu lượng quảng cáo của Google được cho là quảng cáo cho các trang tin tức giả mạo hoặc gây hiểu lầm. Facebook cũng bị cáo buộc quảng bá thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Trong khi các cơ quan báo chí có cơ chế điều chỉnh hoặc sự giám sát từ bên thứ ba đối với nội dung xuất bản thì các công ty công nghệ lại có rất ít hoặc không có sự giám sát. Vì thế, việc Facebook hay Google có những thỏa thuận hợp tác với các cơ quan báo chí chính thống được xem là giải pháp để đẩy lùi tin giả.

“Thay vì đứng lên bảo vệ báo chí địa phương, đảng Bảo thủ chọn bảo vệ lợi ích của những gã khổng lồ trên mạng. Trong thời đại tin giả, chúng ta cần tiếp cận nhiều hơn với các phương tiện truyền thông đáng tin cậy” - nghị sĩ Peter Julian thuộc đảng Dân chủ mới (NDP) ở Canada chỉ trích Lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre vì đã phản đối đạo luật buộc Google, Facebook trả phí chia sẻ thông tin báo chí của Canada.

Tuy nhiên, cũng có vấn đề từ việc buộc các nền tảng công nghệ trả phí cho nội dung tin tức mà các công ty này sử dụng, đó là rủi ro các nền tảng sẽ kiểm soát thông tin của báo chí, theo đài CNBC News.

CNBC News đặt vấn đề: Tại sao các công ty công nghệ phải trả tiền cho những tin tức mà họ không thu được lợi nhuận quảng cáo?. Việc các công ty hướng tới là lợi nhuận, nếu buộc họ trả phí sử dụng thông tin báo chí, họ sẽ chỉ chọn sử dụng và quảng bá những nội dung tin tức mang lại doanh thu cho công ty, và giảm hiển thị những nội dung còn lại.

Triển vọng các nước đạt được thỏa thuận với Google, Facebook

Giới phân tích cho rằng việc các nước có đạt được thỏa thuận trả phí chia sẻ thông tin báo chí với các công ty công nghệ hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trả phí chia sẻ thông tin báo chí-Bài 3: Các nước nên làm gì để đạt được thỏa thuận với Google, Facebook?
Logo của Facebook (trái) và Google. Ảnh: CNN

Thứ nhất là sự đoàn kết giữa các nước trong việc đưa ra yêu cầu này. Việc Úc trở thành nước tiên phong đòi quyền lợi cho báo chí đã thúc đẩy nhiều quốc gia như Canada, Mỹ, Anh, Brazil, Indonesia, New Zealand,... làm theo.

Tiến sĩ Belinda Barnet tại ĐH Kỹ thuật Swinburne (Úc) cho rằng cách tiếp cận của Úc có thể tạo tiền lệ toàn cầu.

“Nếu mọi quốc gia trên thế giới bắt đầu yêu cầu như nhau thì điều đó sẽ có tác động đến mô hình tài chính của Google và Facebook” - theo bà Barnet.

Đồng quan điểm, giáo sư về chính sách và luật công nghệ tại Trường Luật Brooklyn (Mỹ) - ông Frank Pasquale gọi động thái của Úc “là một tiền lệ rất mạnh mẽ”.

Mặc dù các công ty công nghệ ban đầu kịch liệt phản đối yêu cầu trả phí chia sẻ thông tin báo chí, nhưng về sau họ vẫn đồng ý đàm phán và đạt thỏa thuận, như trường hợp của Úc và Canada với Google.

Có thể thấy rằng, các công ty công nghệ cũng mong muốn xoa dịu các nước để tránh vấn đề này mở rộng thành cuộc chiến toàn cầu.

“Google quan tâm sâu sắc đến tin tức, và trong 20 năm qua chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các nhà xuất bản tin tức để hỗ trợ tạo ra các tin tức có chất lượng trong thời đại kỹ thuật số” - theo trưởng nhóm đối tác tin tức của Google tại Nam Phi, bà Marianne Erasmus.

Thứ hai, các nước cần có cách tiếp cận phù hợp với từng nền tảng công nghệ khác nhau. Chẳng hạn, cần có sự khác biệt trong đàm phán với Google và Facebook.

Theo giáo sư Michael Geist - chuyên gia nghiên cứu về luật Internet tại ĐH Ottawa (Canada), so với Google, Facebook không nhận được nhiều giá trị kinh tế từ nội dung tin tức và dường như ngành báo chí cần Facebook hơn là ngược lại.

Vị chuyên gia nhận xét về cuộc chiến đang diễn ra giữa chính phủ Canada và Facebook: “Tôi nghĩ chính phủ đã tự đẩy mình vào một góc với một số hậu quả khá rõ ràng”.

Giáo sư Geist đề xuất rằng Canada có thể hỗ trợ ngành báo chí bằng cách thành lập một quỹ từ thuế thu được của các công ty công nghệ. “Cách tiếp cận như vậy sẽ ít phức tạp hơn” - theo ông Geist.

Cuối cùng, để đạt được thỏa thuận, các nước cũng như các cơ quan báo chí cần đề xuất một mức giá phù hợp cho các nền tảng công nghệ.

Giáo sư Terry Flew tại ĐH Công nghệ Queensland (Úc) cho rằng các bên cần đưa ra một mức giá hợp lý dựa trên lượng thông tin mà Facebook và Google trích dẫn từ báo chí, cũng như dựa trên nguyên tắc “mỗi bên đều được hưởng lợi từ bên kia: với các nền tảng, đó là nội dung; còn với báo chí, đó là kênh phân phối”.

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và công bố 10 Sự kiện ICT Tiêu biểu 2023 tổ chức hôm 26-12, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Trong cuộc làm việc gần đây với Tập đoàn Google, chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn về việc Google phải giúp báo chí Việt Nam làm được ba việc.

Đầu tiên, Google phải bảo đảm được vấn đề bản quyền cho báo chí. Google có công cụ, có nền tảng để hỗ trợ việc bảo vệ bản quyền; những đối tượng "trộm", "xào nấu" nội dung cần phải được dán nhãn để giúp báo chí bảo vệ bản quyền.

Thứ 2, Google cần giúp báo chí bảo vệ nguồn thu. Việc Tập đoàn này trả cho báo chí Canada 100 triệu Đô la Canada (CAD) gần đây là cú huých, động lực để các cơ quan báo chí thấy và nhận thức rõ quyền lợi được hưởng một phần từ nguồn thu của Tập đoàn này. Báo chí Việt Nam cũng phải đoàn kết để cùng có tiếng nói về vấn đề này.

Thứ 3, Google cần giúp báo chí về đào tạo. Vừa qua, Tập đoàn này đã phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo rất quy mô, kéo dài trong 5 tháng và mang lại nhiều hiệu quả”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm