Tàu khu trục này (ảnh) được triển khai trong khuôn khổ nhóm tác chiến tàu sân bay John C. Stennis.
Trang web của Hạm đội 7 cho biết số lượt tàu tuần tra thường lệ như tàu khu trục USS William P. Lawrence chỉ trong khu vực biển Đông đã đạt bình quân khoảng 700 lượt ngày tuần tra mỗi năm. Ví dụ tàu khu trục tên lửa USS Stockdale (DDG 106) đã kết thúc tuần tra ngày 5-3.
Trong những tháng qua còn có các tàu khác thực hiện hoạt động tuần tra tương tự như các tàu khu trục tên lửa USS Curtis Wilbur (DDG 54), USS Lassen (DDG 82 ), USS McCampbell (DDG 85) và USS Preble (DDG 88), tàu tấn công thủy bộ đa năng USS Essex (LHD 2), tàu tuần dương tên lửa USS Chancellorsville (CG 62), tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth (LCS 3) và tàu vận tải thủy bộ USS Ashland (LSD 48).
Trong khi đó, tạp chí The Diplomat (Nhật) đưa tin hạm đội Nam Hải và hạm đội Bắc Hải Trung Quốc đã tiến hành tập trận ở biển Đông. Địa điểm và thời gian tập trận cụ thể không được nêu rõ. Theo Tân Hoa xã, cuộc tập trận được chia làm ba nhóm hoạt động ở biển Đông, Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương. The Diplomat lưu ý tham gia tập trận lần này còn có các đơn vị Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Song song với tập trận, Trung Quốc lại đưa ra những lời đạo đức giả kêu gọi Nhật phải “lắng nghe lời kêu gọi hòa bình và giữ vai trò tích cực trong hòa bình và ổn định khu vực”. Tại cuộc họp báo hôm 4-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói Trung Quốc hy vọng “Nhật rút ra bài học lịch sử, lắng nghe nguyện vọng hòa bình của người dân Nhật”.
Tuyên bố này được đưa ra ăn theo sự kiện hàng ngàn người biểu tình ở Tokyo hôm 3-5 phản đối sửa đổi hiến pháp hòa bình. Trả lời câu hỏi về phát biểu của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida nói trong chuyến công du ở châu Âu và Đông Nam Á rằng Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, người phát ngôn Hồng Lỗi nói Nhật là nước ngoài biển Đông, vậy nên Nhật đừng xen vào vấn đề biển Đông nữa.