Ngày 3-1, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chính thức thông tin tình hình hoạt động cho vay tín dụng đen ở địa bàn tỉnh. Theo đó, hoạt động này có chiều hướng phức tạp khi các đối tượng cộm cán trong những băng nhóm tội phạm đứng ra thành lập công ty dưới nhiều hình thức kinh doanh để cho vay nặng lãi…
Thủ đoạn cho vay tinh vi
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, ngay sau khi Mệnh lệnh số 1 của giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm được ban hành, Công an TP Thanh Hóa đã xác lập chuyên án T118 đấu tranh với hành vi cho vay nặng lãi trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Cơ quan điều tra đã khám xét năm công ty tài chính gồm Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Đại Tín, Công ty TNHH Trường Cửu, Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Thương Tín, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quyền Quý và Công ty TNHH Nam Tiến 36.
Cụ thể, trong ngày 22-12-2018, trên 300 cán bộ, chiến sĩ các đội nghiệp vụ và công an các xã, phường đồng loạt ra quân, tiến hành khám xét hành chính đối với 32 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính của năm công ty này ở 14 địa chỉ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Qua đó thu giữ nhiều tài liệu, vũ khí nóng liên quan đến hoạt động cho vay tín dụng đen. Những người bị bắt giữ gồm Cao Xuân Thu (giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Đại Tín), Đỗ Nguyễn Minh Tân (kế toán Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Đại Tín), Lê Phú Lượng (trưởng Chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu), Đỗ Văn Thái (là quản lý Chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu), Trương Đình Tâm (nhân viên của Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Thương Tín).
Cơ quan điều tra làm rõ thủ đoạn hoạt động của những nhóm này. Đó là thực hiện giao dịch cho vay với lãi suất rất cao thông qua việc ép buộc người có nhu cầu mượn tiền viết giấy bán tài sản rồi buộc họ phải thuê lại chính tài sản đó mới có thể được vay.
Tất cả giấy tờ được thể hiện dưới hình thức là thỏa thuận dân sự giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, thực tế với mức phí thuê tài sản mà người đi vay phải chịu là 3.000-5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương 109,5%-182,5%/năm. Với cách tính này, nhiều khách hàng chỉ vay 30 triệu đồng nhưng chỉ sau một năm đã phải trả hơn 100 triệu đồng tiền lãi mà vẫn chưa thể trả hết số nợ.
Cao Xuân Thu, Đỗ Văn Thái, Đỗ Nguyễn Minh Tân cùng một số tang vật liên quan. Ảnh: T.THANH
Hơn 7.000 giao dịch vay mượn tiền
Theo công an, chỉ chưa đầy hai năm hoạt động, năm công ty trên thực hiện hơn 7.000 lượt giao dịch với tổng số tiền là hơn 72 tỉ đồng, mở rộng 32 chi nhánh ở khắp các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh với cách điều tiết vốn cho vay rất bài bản.
Ngay sau ngày khám xét tại 32 chi nhánh dịch vụ công ty tài chính thì hầu hết các công ty tài chính khác trên địa bàn Thanh Hóa đã đóng cửa, gỡ bảng hiệu. Một số cơ sở dừng kinh doanh dịch vụ tài chính.
Qua quá trình điều tra, cơ quan Công an TP Thanh Hóa dựa trên hành vi vi phạm của các nhóm cho vay đã thực hiện các lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam năm người trên. Họ bị bắt để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi trong các giao dịch dân sự của năm công ty dịch vụ tài chính. Vụ việc đang tiếp tục được làm sáng tỏ trước khi đưa những người này ra xử lý nghiêm trước pháp luật.
Chiều 2-1, giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh này đã có buổi gặp gỡ, biểu dương và thưởng nóng 100 triệu đồng cho ban chuyên án T118 - Công an TP Thanh Hóa đã lập được thành tích triệt phá nhiều tổ chức tín dụng đen núp bóng các công ty tài chính cho vay tiền với lãi suất cắt cổ.
Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị những ai là nạn nhân của hành vi cho vay nặng lãi của các đối tượng thuộc các công ty tài chính Đại Tín, Thương Tín, Trường Cửu, Quyền Quý và Nam Tiến 36 nhanh chóng trình báo, phối hợp với lực lượng công an để điều tra làm rõ vụ án.
Rà soát trên toàn quốc các nhóm đòi nợ thuê Trước đó, sáng 29-11-2018 tại Thanh Hóa, trong buổi công bố thông tin triệt xóa tổ chức tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh, TP trên cả nước đội lốt Công ty Tài chính Nam Long do Nguyễn Đức Thành (ở phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM) cầm đầu, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), nhận định tín dụng đen liên quan đến hành vi đòi nợ thuê gây bức xúc xã hội.
Theo Đại tá Phạm Văn Tám, hiện Bộ Công an đang chỉ đạo giám đốc công an các tỉnh điều tra cơ bản xem trên địa bàn của mình có bao nhiêu tổ chức tín dụng hợp pháp, không hợp pháp, bao nhiêu đối tượng cho vay nặng lãi, đứng đằng sau đó là bao nhiêu tội phạm đòi nợ thuê. Từ đó giao chỉ tiêu, giao trách nhiệm cho giám đốc công an các tỉnh điều tra làm rõ. |