Từ 1-9, ai được quyền thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương?

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có thông báo kết luận yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh nộp toàn bộ số tiền phạt 264 tỉ đồng do chậm nộp theo hợp đồng bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương.

Yêu cầu nộp phạt trong tháng 8

Theo đó, trước mắt trong tháng 8, Công ty Yên Khánh phải nộp toàn bộ số tiền phạt sau khi đã trừ số tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) mà Công ty Yên Khánh đã nộp trên số tiền thu phí sử dụng đường bộ (hơn 65 tỉ đồng).

Tổng cục Đường bộ ra thời hạn đến ngày 25-8, nếu Công ty Yên Khánh chưa nộp số tiền trên, Tổng cục Đường bộ sẽ báo cáo Bộ GTVT thu hồi quyền thu phí và giao Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (thuộc Bộ GTVT) thực hiện thu phí sử dụng đường bộ cao tốc TP.HCM-Trung Lương từ 1-9  để thu hồi số tiền phạt.

Liên quan đến việc này, đại diện Tổng Công ty Cửu Long cho hay năm 2013, tổng công ty được Bộ GTVT giao ký kết hợp đồng bán quyền thu phí sử dụng đường bộ thời hạn năm năm cao tốc TP.HCM-Trung Lương (giai đoạn 1) với Công ty Yên Khánh, đơn vị trúng thầu, với giá trị hợp đồng 2.004 tỉ đồng. Thời hạn thu phí năm năm, kể từ 0 giờ ngày 1-1-2014 và kết thúc vào 24 giờ ngày 31-12-2018.

Theo hợp đồng, trong vòng 10 tháng, Công ty Yên Khánh phải nộp vào ngân sách nhà nước đủ số tiền bán quyền thu phí 2.004 tỉ đồng trong ba đợt và kết thúc nộp đợt cuối cùng vào tháng 10-2014. Thực tế, Công ty Yên Khánh thanh toán các đợt đều chậm với tổng cộng 15 đợt và kết thúc đợt thanh toán cuối vào ngày 31-3-2017. “Theo thỏa thuận, Công ty Yên Khánh đã vi phạm hợp đồng và phải chịu mức phạt do chậm thanh toán tại hợp đồng, được các đơn vị tính toán là 264 tỉ đồng” - đại diện Tổng Công ty Cửu Long nói.

Ngoài ra, vị đại diện Tổng Công ty Cửu Long cũng tính toán thời gian thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương của Công ty Yên Khánh chỉ còn bốn tháng. Dự kiến Công ty Yên Khánh trong thời gian này sẽ thu khoảng 165 tỉ đồng, so với số nợ phạt chậm thanh toán 264 tỉ đồng, Tổng Công ty Cửu Long áp dụng biện pháp thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng của Công ty Yên Khánh trị giá hơn 100 tỉ đồng để đủ khoản tiền phạt nộp ngân sách.

Cao tốc TP.HCM-Trung Lương dài 62 km gồm sáu làn xe, vận tốc 120 km/giờ, chính thức đưa vào khai thác năm 2012. Ảnh: HTD

Nộp đơn khởi kiện

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về động thái này của Tổng cục Đường bộ, bà Trần Ngọc Lê, Tổng Giám đốc Công ty Yên Khánh, cho hay công ty đang nộp đơn khởi kiện tại tòa một số vấn đề liên quan đến Tổng Công ty Cửu Long nên không có chuyện công ty này bị thu hồi quyền thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương.

Cụ thể, bà Lê cho biết Công ty Yên Khánh nộp đơn kiện Tổng Công ty Cửu Long yêu cầu hoàn trả số tiền thuế VAT, tiền lãi phát sinh từ số tiền đã vay ngân hàng để thanh toán thuế VAT, tiền phạt do chậm nộp thuế VAT, đồng thời không được có hành vi can thiệp vào hoạt động thu phí của Công ty Yên Khánh tại bốn trạm thu phí trên toàn bộ tuyến cao tốc TP.HCM-Trung Lương. Ngoài ra, yêu cầu Tổng Công ty Cửu Long chấm dứt hành vi yêu cầu Ngân hàng BIDV thanh toán khoản tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Ngày 22-8, TAND quận Bình Thạnh đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Tổng Công ty Cửu Long gồm: Tổng Công ty Cửu Long không được có hành vi cản trở đến việc thu phí trên bốn trạm thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương đối với Công ty Yên Khánh theo hợp đồng các bên đã ký kết cho đến hết 0 giờ ngày 1-1-2019. Cùng đó, Tổng Công ty Cửu Long tạm ngưng cưỡng chế thu hồi số tiền bảo lãnh hơn 100 tỉ đồng của Công ty Yên Khánh nộp tại Ngân hàng BIDV đến khi có quyết định của tòa án.

Pháp Luật TP.HCM tiếp tục theo dõi diễn biến vụ việc để thông tin đến bạn đọc.

Không đồng tình quyết định tòa án

Không đồng tình với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND quận Bình Thạnh, Tổng Công ty Cửu Long đã có khiếu nại đến chánh án TAND quận Bình Thạnh và VKSND quận Bình Thạnh. Tổng Công ty Cửu Long đề nghị TAND quận Bình Thạnh thu hồi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Tổng Công ty Cửu Long để nơi này triển khai thực hiện được các giải pháp thu hồi tiền phạt, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Theo quyết định phê duyệt kết quả bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương của Bộ GTVT, Công ty Yên Khánh được thu phí tại bốn trạm trên tuyến đường là Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức và Thân Cửu Nghĩa. Cao tốc TP.HCM-Trung Lương là cao tốc đầu tiên bán quyền thu phí cho tư nhân và cũng là cao tốc duy nhất đến thời điểm này được bán quyền thu phí.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm