Uy tín Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế

Mặc dù từ nhà nước Việt Nam (VN) Dân chủ Cộng hòa phải đợi đến 30 năm sau, tức năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất nhưng những nội dung trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào ngày 2-9 của 75 năm trước là khát vọng chung không chỉ của dân tộc VN mà còn của rất nhiều dân tộc khác trên thế giới: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Thành công nối tiếp của VN

Khi nhìn vào các chỉ số về kinh tế - xã hội, chúng ta thấy VN đã có một bước phát triển tương đối dài kể từ năm 1945 và ở thời điểm thống nhất đất nước vào năm 1975. Không chỉ duy trì được sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong ba thập niên gần đây, VN còn ghi được dấu ấn với các chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn so với các quốc gia có cùng mức độ phát triển kinh tế, xếp hạng 118/189 quốc gia vào năm 2019.

Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng; các chỉ số về tuổi thọ, y tế cộng đồng, giáo dục phổ thông, bình đẳng giới, tiếp cận điện, nước sạch cũng như Internet được xếp loại trung bình khá và đang dần tiếp cận mức cao của thế giới.

Bên cạnh đó, ngoại giao VN có nhiều tiến triển quan trọng trên chính trường quốc tế, đặc biệt là ở các thể chế đa phương khu vực và thế giới. Ngoại giao VN đã trở nên tự tin hơn, thể hiện được bản sắc dân tộc và thúc đẩy lợi ích VN tốt hơn. Cột mốc VN lần thứ hai được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020 không chỉ thể hiện nỗ lực ngoại giao VN mà còn đánh dấu vị thế và uy tín VN trong cộng đồng quốc tế.

VN đã tổ chức thành công các hội nghị thượng đỉnh với tư cách chủ nhà luân phiên trong các tổ chức, thể chế quốc tế. Ngoài ra, VN được chọn là nơi diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào năm 2019. Điều đó cho thấy quốc tế thừa nhận năng lực tổ chức các hội nghị thượng đỉnh cấp cao của VN, cũng như vai trò như một quốc gia hòa bình, hòa giải của VN.

Lãnh đạo các nền kinh tế tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng năm 2017.  Ảnh: AFP

Phải lấy lợi ích dân tộc làm đầu

Điều cần nhấn mạnh trong thời điểm hiện nay chính là VN đang từng bước trở thành một chủ thể chủ động trên chính trường quốc tế, tham gia đóng góp và thúc đẩy các sáng kiến hợp tác trong khu vực và thế giới. VN đang từng bước góp phần định hình luật chơi trong khu vực.

Trên thực tế, vấn đề cạnh tranh giữa các cường quốc ở thời kỳ nào cũng có chứ không chỉ trong thời kỳ hiện đại, mặc dù sự căng thẳng có thể khác nhau về mức độ cũng như phạm vi cạnh tranh. Chính vì vậy, chúng ta không phải sợ hãi, bởi đây chính là cơ hội để phát triển đất nước. Nhiều quốc gia yếu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới đã tận dụng tốt sự cạnh tranh Xô - Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh để canh tân quốc gia, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, cũng không ít quốc gia bị kẹt lại.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy vấn đề không nằm ở sức mạnh quốc gia mạnh hay yếu trong mối tương quan với các nước lớn, mà nằm ở việc chúng ta coi đây là cơ hội hay nguy cơ và cách chúng ta xử lý vấn đề này. Do đó, bài học tưởng đã cũ nhưng cũng cần nhắc lại đó chính là lợi ích dân tộc trong công tác ngoại giao phải được đặt lên hàng đầu. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải giải quyết bài toán từ gốc rễ, chính là những con người làm công tác đối ngoại, phân tích chính sách và thi hành chính sách. Họ phải là những con người có năng lực và có tầm nhìn xa, biết vượt qua lợi ích cá nhân tầm thường hay tầm nhìn ngắn hạn để thúc đẩy lợi ích quốc gia.

Một đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, phân tích chính sách chuyên nghiệp, có kiến thức và bản sắc sẽ giúp VN nhìn và hiểu thế giới xung quanh với cặp mắt đa chiều hơn, từ đó có nhiều đột phá trong tương lai.

____________________

(*) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm