Theo đó, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hồi đáp về việc sử dụng phần đất trong hành lang an toàn giao thông đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để đầu tư xây dựng tuyến giao thông kết nối đô thị. Cụ thể là sử dụng đường dưới dạ cầu (đường công vụ trong quá trình thi công) của tuyến cao tốc này (đoạn từ đường Võ Chí Công đến Nguyễn Duy Trinh) làm đường giao thông đô thị tạm. Việc này nhằm giảm áp lực giao thông ở đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến đường 990.
VEC cho biết VEC hiện không phải là đơn vị chủ sở hữu công trình đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây nên kiến nghị bộ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Trong trường hợp đề xuất của TP.HCM được chấp thuận, VEC kiến nghị bộ chỉ đạo các đơn vị có liên quan nghiên cứu, thiết kế công trình, biện pháp thi công để đảm bảo giảm thiểu tác động đến kết cấu công trình đường cao tốc. Đơn cử như bố trí ụ chống va xô trụ cầu, khung giới hạn chiều cao, hệ thống chiếu sáng, cảnh báo tĩnh không dưới cầu... để không làm ảnh hưởng đến công tác bảo trì, kết cấu, công năng của công trình cao tốc, đảm bảo an toàn đường bộ và các công trình khác xung quanh.
Dạ cầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được rào chắn bởi hàng rào lưới. Tuy nhiên, một số đoạn đã bị phá bỏ để làm lối đi. Ảnh: ĐÀO TRANG
Trước đó, đề xuất của UBND TP.HCM về việc xây dựng đường đô thị dưới cầu cạn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây xuất phát từ thực tế là tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực đường Nguyễn Duy Trinh diễn biến phức tạp.
Do đó, việc mở thêm một tuyến đường kết nối với đường Nguyễn Duy Trinh để giảm tải cho tuyến giao thông này cũng sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn, sự cố. Ngoài ra, phần đất dưới các cầu cạn của tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ cho giao thông đô thị.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại nếu các phương tiện tải trọng lớn di chuyển dưới gầm cầu (dạ cầu) sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của đường cao tốc.