Viêm gan B mạn tính là nguyên nhân phổ biến gây ung thư gan
Ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi là bệnh đứng đầu ở Việt Nam với số ca mắc mỗi năm gần 26.500 ca, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư.
Nhiều nghiên cứu chứng minh tỉ lệ mắc ung thư gan gấp từ 10-60 lần đối với những người nhiễm viêm gan B.
Phân loại viêm gan B
Viêm gan B cấp tính là giai đoạn đầu của bệnh viêm gan virus B, phát sinh đột ngột và thời gian mắc bệnh ngắn. Bệnh có thể phát sinh trong vòng 6 tháng đầu tiên kể từ khi người bệnh nhiễm virus viêm gan B hoặc C, người bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không hề xuất hiện triệu chứng.
Viêm gan B mạn tính - giai đoạn nghiêm trọng hơn của viêm gan B cấp tính, là khi virus viêm gan B tồn tại trong cơ thể người hơn 6 tháng.
Giai đoạn viêm gan B mạn tính tiềm ẩn thường kéo dài rất lâu, thậm chí có thể từ 15-30 năm mà người bệnh ít có triệu chứng đặc biệt. Đây là giai đoạn gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh, có thể gây xơ gan và là nguyên nhân ung thư gan.
Viêm gan B mạn tính tiến triển thế nào?
Khi viêm gan B chuyển sang giai đoạn mạn tính có thể xảy ra các tiến triển sau:
Xơ gan là trường hợp viêm gan B mạn tính một thời gian dài khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng. Từ đó hình thành những dải mô sẹo thay thế cho tế bào gan, làm thay đổi cấu trúc gan dẫn tới xơ gan.
Bệnh não gan cũng là biến chứng nghiêm trọng khi bệnh nhân suy giảm chức năng gan. Chất độc trong cơ thể không kịp đào thải có nguy cơ ngấm vào máu, ảnh hưởng tới não bộ. Khi não bộ tích tụ quá mức độc tố dẫn tới tổn thương hệ thần kinh trung ương. Người bệnh suy giảm nhận thức, cuối cùng có thể gây phù não, thoát vị não, tử vong.
Viêm gan B mạn tính làm tăng nguy cơ ung thư gan, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân ung thư gan là do viêm gan B mạn tính.
Viêm gan B mạn tính sau bao lâu sẽ dẫn đến ung thư gan?
Thời gian dẫn đến ung thư gan khi mắc viêm gan B mạn tính không được phát hiện và điều trị tùy thuộc vào từng cá nhân cụ thể, có thể từ 10-20 năm nhưng cũng có thể ít hơn. Thời gian tiến triển tùy thuộc mức độ sinh sôi của virus viêm gan B và sức khỏe người bệnh.
Cụ thể, dưới sự tấn công liên tục của virus viêm gan B, các chất gây viêm được sinh ra liên tục. Từ đó gây nên hiện tượng chết tự nhiên của tế bào gan vừa tăng sinh tế bào mới. Tế bào gan chết bao nhiêu thì tế bào gan mới được tăng sinh ra bấy nhiêu. Tình trạng này đẩy cao nguy cơ đột biến, hình thành tế bào gan lập dị là nguyên nhân ung thư gan.
Biểu hiện ung thư gan
Ung thư gan tiến triển âm thầm, ở giai đoạn đầu rất khó nhận biết, chỉ khi khối u lớn hoặc ung thư giai đoạn cuối các triệu chứng mới xuất hiện rõ rệt.
Một số triệu chứng ung thư gan dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, một số biểu hiện khi bị ung thư gan, cụ thể:
- Cảm giác nặng bụng trên hoặc có xuất hiện khối u
- Bệnh nhân có biểu hiện chướng bụng, đầy bụng, hay chán ăn, sụt cân nhanh chóng
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, người mất sức, buồn nôn và nôn
- Vàng mắt, vàng da, ngứa da, nước tiểu vàng sậm, phân bạc màu, sốt…
Có thể nói, viêm gan B, nhất là tình trạng mạn tính có thể dẫn đến ung thư gan. Hầu hết các biểu hiện của ung thư gan chỉ xuất hiện rõ rệt khi khối u đã lớn hoặc đang ở giai đoạn cuối. Việc chủ động làm xét nghiệm viêm gan B, tầm soát ung thư sớm, tiêm phòng viêm gan B là vô cùng cần thiết.
Ngoài ra, cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học là yếu tố tiên quyết trong việc phòng ngừa viêm gan B và phòng ngừa ung thư gan.
Đối tượng chú ý là nam giới trên 40 tuổi bị xơ gan do uống nhiều bia rượu, nhiễm virus viêm gan B, C nên đi tầm soát khám định kỳ để sớm phát hiện các tổn thương.
Tiêm vaccine phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan. Người dân nên đi khám tầm soát 6-12 tháng một lần để phát hiện sớm các tổn thương bất thường.