Theo VinaCapital, Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt trong việc “làm phẳng đường cong” biểu đồ dịch COVID-19 nhờ các biện pháp y tế cộng đồng nhanh chóng và quyết liệt và hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.
Do đó, Việt Nam sẽ cần cân nhắc các yếu tố khác bên cạnh hình dạng đường cong của biểu đồ dịch COVID-19 để xem xét lộ trình mở cửa lại nền kinh tế.
Một yếu tố mà Việt Nam có thể tập trung vào là sự ổn định liên tục của đường cong biểu đồ số ca nhiễm còn lại, với quy ước rằng số lượng các ca nhiễm mới không vượt quá nhiều so với số ca hồi phục hằng ngày.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể xem xét hai yếu tố dưới đây vốn được các quốc gia trên thế giới sử dụng để quyết định lộ trình mở cửa lại nền kinh tế (bên cạnh tiêu chí hình dạng đường cong của biểu đồ dịch COVID-19).
Đó là khả năng theo dõi và kiểm soát COVID-19 và năng lực của hệ thống y tế cả nước để xét nghiệm và điều trị các ca nhiễm COVID.
Với tiêu chí đầu tiên, Việt Nam đã cho thấy khả năng rất tốt của chính quyền trong việc theo dõi và kiểm soát COVID-19.
Về tiêu chí thứ hai, hầu hết các quốc gia trên thế giới dường như không có đủ năng lực xét nghiệm COVID-19 cho đến cuối năm 2020 ngoại trừ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam có những lợi thế đặc trưng riêng, như: Dân số Việt Nam trẻ hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia mới nổi khác; điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng và thời tiết của Việt Nam cũng đang góp phần gia tăng tỉ lệ hồi phục do COVID-19 cao hơn so với nhiều quốc gia. Ngoài ra hệ thống y tế Việt Nam mạnh hơn nhiều khu vực.
VinaCapital cũng cho rằng dịch COVID-19 đã buộc các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cũng như trên thế giới phải lựa chọn giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sức khỏe nền kinh tế.
Và hầu hết Chính phủ đã ưu tiên sức khỏe cộng đồng hơn sức khỏe nền kinh tế kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện. Tuy nhiên, tuần trước một số quốc gia ở châu Âu đã bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đề xuất các hướng dẫn để tái khởi động kinh tế Mỹ.
Dù hiểu rằng việc mở lại nền kinh tế có thể làm tăng số ca nhiễm COVID-19 nhưng mặt khác các chính phủ cũng e ngại rằng phong tỏa kéo dài thậm chí còn khiến cho công dân của họ lao đao hơn cả việc đương đầu với COVID-19.