Vĩnh biệt nhà báo Trần Phong - Kỳ Phương

Trần Phong - Kỳ Phương là bút hiệu của đồng chí Lê Văn Thơm quê ở Mỹ Tho, sinh năm 1921. Từ 1940 ông làm liên lạc cho các tổ chức cách mạng từ Mỹ Tho qua Bến Tre, lên Sài Gòn. Vì đọc lời tố cáo thực dân Pháp nên ông bị đuổi khỏi “Colege Mỹ Tho” năm 1940. Ông đậu bằng trung học nhưng lại bị đuổi học vì phản đối Tây đánh học trò. Ông xin vào làm thư ký ở xưởng Ba Son. Ở đây ông bắt liên lạc với cơ sở Đảng trong xưởng và giữ mối liên lạc với tổ chức Đảng ở Mỹ Tho. Tháng 3-1945 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Vĩnh biệt nhà báo Trần Phong - Kỳ Phương ảnh 1

Nhà báo Trần Phong - Kỳ Phương trong chiến tranh.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông làm việc ở văn phòng tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho, liên lạc với đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ. Đầu năm 1946, tổ chức cử Lê Văn Thơm ra công tác tại văn phòng của Bác Tôn Đức Thắng và Phòng Nam bộ tại Hà Nội. Khi Pháp chiếm Hà Nội, ông được cử về làm Trưởng phòng thông tin tuyên truyền tỉnh Thanh Hóa. Sau đó được cử đi học Trường Cán bộ trung cao cấp ở Thái Nguyên.

Năm 1948, ông tham gia đoàn cán bộ vượt biên giới bắt liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc - lúc này Trung Quốc chưa giải phóng. Năm 1949, ông được đưa về Bắc Kinh học ở Học viện Mác - Lênin. Năm 1952, Lê Văn Thơm về nước, làm thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Năm 1954, sau ngày giải phóng ông về Hà Nội tham gia hoạt động đối ngoại và Ủy ban Bảo vệ hòa bình của Việt Nam. Năm 1955, Mặt trận Tổ quốc thành lập.

Năm 1958 ông được điều về làm Tổng biên tập báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông đã góp phần tuyên truyền cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn, Lê Văn Thơm - Trần Phong đã đem hết tâm huyết cho sự nghiệp báo chí. Là dân miền Nam sống trên đất Bắc, ông đã hết lòng chăm sóc việc tuyên truyền cho sự nghiệp cách mạng ở miền Nam và cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân cả nước.

Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, yêu cầu phải có cơ quan ngôn luận để tập hợp, tổ chức nhân dân miền Nam đứng lên kháng chiến chống Mỹ.

Đầu năm 1964, ông xin về miền Nam xây dựng tờ báo của Mặt trận với tên Kỳ Phương - ghép từ tên vợ và tên con gái. Do tuổi đã cao và chân bị thương không thể đi bộ vượt Trường Sơn, ông đã xin được theo tàu không số chở vũ khí vào Nam. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, ông đến Bến Tre và bằng tất cả cách dẫn dắt của giao liên, ông đã dũng cảm vượt qua sông nước, rừng núi về đến cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng tại Tây Ninh. Cùng lúc này hai đồng chí Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí), Thái Duy (Trần Đình Vân) vượt Trường Sơn về đến căn cứ. Ba đồng chí cùng một cán bộ nhân viên nhanh chóng tổ chức xuất bản báo Giải Phóng.

Công tác biên tập đã khá vất vả nhưng tìm giấy mực, chữ chì để làm nhà in thì lại vất vả hơn nhiều. Các đồng chí đã dựa vào Việt kiều ở Campuchia, cơ sở ở Sài Gòn để mua chữ chì, mực in và giấy. Không có máy in, bộ phận nhà in đã có sáng kiến đóng bàn in kéo tay để in báo. Đêm 11-12-1964, trên chiếc võng đung đưa giữa hai cây rừng, Kỳ Phương đã viết: “…Đêm nay anh em đã hoàn thành 6 trang đầu của báo Giải Phóng… Mình đề nghị dành ít phút giới thiệu trên đài Giải phóng... 17 hoặc 18-12 đưa tin thì tốt quá... Dự kiến 16, 17-12 có thể hoàn thành cả 12 trang báo. Thường vụ Trung ương Cục đã quyết định ghi trên báo “Chủ nhiệm Huỳnh Tấn Phát, chủ bút Kỳ Phương...”.

Vĩnh biệt nhà báo Trần Phong - Kỳ Phương ảnh 2

Kỳ Phương (bên trái) và Trần Tâm Trí - hai cán bộ chủ chốt của báo Giải Phóng.

Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ viết thư cho đồng chí Kỳ Phương: “Chúng ta nỗ lực tối đa để tờ báo có thể ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (20-12-1964)”. Ngày 20-12-1964, dưới sự chỉ đạo của nhà báo Trần Phong - Kỳ Phương, số báo Giải Phóng đầu tiên 12 trang in hai màu đã xuất hiện trong vùng giải phóng, chuyển tới vùng ven, đưa lên Phnôm Pênh ra Hà Nội và đưa bí mật vào Sài Gòn.

Từ năm 1970, ông được đưa về làm ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục phụ trách đào tạo cán bộ trung cao cấp. Sau đó ông được điều về làm trợ lý thông tin báo chí cho các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh...

Những năm tháng ở rừng sâu lao động vất vả, ăn uống thì kham khổ, dù chân đau vẫn phải đạp xe đạp trên đường rừng gập ghềnh, song ông đã vượt qua các trận càn, trận bom địch bắn phá, kể cả các trận bom B.52 dữ dội. Ông có “tật” hút thuốc. Trong đêm khuya dưới ánh đèn dầu luôn lập lòe điếu thuốc, ông thức để viết, để duyệt bài... Ông cũng có thú vui câu cá trên sông Vàm Cỏ Đông. Cá thì ít nhưng bớt căng thẳng thì nhiều. Có những ngày ông bị sốt nặng, có khi nguy kịch, song được anh em chăm sóc và ông rất kiên cường rèn luyện đã vượt qua bao lần hiểm nguy. Cho đến cuối năm 1974 ông vượt qua hai cơn sốt rét ác tính, nhưng sức khỏe suy sụp. Trung ương Cục cho phép ông ra Bắc chữa bệnh...

* * *

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông từ miền Bắc trở lại miền Nam làm báo. Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh giao cho ông làm trợ lý Ban biên tập ba tờ báo Tin Sáng, Giác Ngộ, Công giáo và Dân tộc… và làm Trưởng ban Tôn giáo thuộc Ban Dân vận Thành ủy, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

Lê Văn Thơm - Trần Phong - Kỳ Phương là cán bộ cách mạng “Tiền khởi nghĩa” lại là người làm công tác tuyên truyền từ trong kháng chiến chống Pháp, đến công tác báo chí ở hai miền đất nước hơn 50 năm. Đặc biệt dù sức yếu, tuổi cao, chân đau ông vẫn kiên cường vượt qua khó khăn ác liệt trong hơn 10 năm kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Ông là một tấm gương sáng cho những người làm báo. Trong giới báo chí Việt Nam, ông là trường hợp duy nhất: làm Tổng biên tập hai tờ báo Mặt trận ở hai miền Nam Bắc, đã góp nhiều công sức cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng miền Nam.

Theo Đinh Phong (SGGP)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm