Tình hình dịch virus Vũ Hán tiến triển nghiêm trọng đáng ngại. Sáng nay (22-1) Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc công bố đã có ít nhất 9 người chết, 440 ca nhiễm trên cả nước.
Đà tăng này rất đáng lo khi mới tối 21-1 Trung Quốc công bố 6 người chết, 324 ca nhiễm khắp 14 tỉnh ở trong nước, 900 ca đang bị cách ly vì nghi nhiễm.
Ngoài lãnh thổ Trung Quốc, virus Vũ Hán đã lan sang Thái Lan (2 ca nhiễm), Nhật (1 ca nhiễm), Hàn Quốc (1 ca nhiễm) và mới nhất là Mỹ với 1 ca nhiễm. Tất cả đều từ Vũ Hán qua.
Con số thực sự có thể lớn hơn nhiều
Nhà chức trách y tế khắp châu Á đang lo ngại quy mô thực sự của dịch virus Vũ Hán có thể lớn hơn nhiều so với các con số Trung Quốc công bố, theo tin từ báo South China Morning Post (SCMP).
Một nghiên cứu của Trường ĐH Hong Kong (HKU) cho rằng dịch nghiêm trọng hơn nhiều so với con số Trung Quốc thông báo chính thức. ĐH Hong Kong sử dụng dữ liệu đi lại để tính toán mức độ lây lan và ước tính có tới 1.343 người bị nhiễm ở Vũ Hán.
Hành khách đến từ Vũ Hán được tầm soát nhiệt độ cơ thể tại sân bay Narita (Nhật). Ảnh: KYODO
Từ ngày 17-1, các nhà khoa học Trung tâm Phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu MRC tại Trường ĐH nghiên cứu Imperial College ở London (Anh) đã đánh giá số người nhiễm trong và ngoài Trung Quốc thật sự có thể phải hàng ngàn. Riêng ở Vũ Hán, Trung tâm MRC ước tính có “tổng cộng 1.723 ca nhiễm”. Các nhà khoa học đưa ra ước tính này dựa vào tình hình lây lan của virus này ra bên ngoài Trung Quốc, dựa trên dữ liệu hàng không quốc tế tại sân bay Vũ Hán.
“Bức tranh thật sự có thể hoàn toàn khác” - ông Piotr Chlebicki, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại BV Mount Alvernia ở Singapore, nói. Chuyên gia này từng tham gia chống dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) ở Singapore thời điểm 2002-2003.
Nhân viên bảo vệ trước một khu chợ hải sản bị đóng cửa ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) - nơi xuất phát dịch. Ảnh: AFP
Một quan chức y tế công cộng cấp cao ở Hàn Quốc nói với SCMP rằng nhà chức trách nước này đang giữ liên lạc chặt với phía Trung Quốc nhưng “thật khó để nói rằng chúng tôi sẽ được cung cấp lượng thông tin đầy đủ”.
Trung Quốc phản ứng chậm?
Nhớ lại thời điểm 2002-2003, Trung Quốc bị cáo buộc che đậy tình hình lây lan virus SARS, đã làm hơn 8.000 người trên 37 quốc gia bị nhiễm, gần 800 người chết. Theo SCMP, thời điểm tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bùng phát dịch SARS giai đoạn 2002-2003, Trung Quốc đã không công bố thông tin, làm cho tình hình lây nhiễm thêm nghiêm trọng hơn. Lúc dịch lên đỉnh điểm giết hơn 700 người khắp thế giới, Trung Quốc mới buộc nhà chức trách các địa phương thông báo toàn bộ ca nhiễm lên chính phủ trung ương. Trung Quốc lúc đó mới cam kết báo cáo mọi thông tin kịp thời về SARS cho WHO.
“Chúng tôi hy vọng tất cả thông tin quan trọng này có thể được công bố sớm hơn. Cách duy nhất để dập dịch là phải minh bạch hơn và nhanh hơn đà lây lan của virus” - chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam tại BV Mount Elizabeth Novena (Singapore) nói.
Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 21-1. Ảnh: REUTERS
Nhiều chuyên gia sức khỏe công cộng quốc tế lo ngại phía Trung Quốc không đủ nhanh trong chia sẻ thông tin về virus và một phần lý do là các bước thủ tục quá nhiều trước khi có thể chính thức xác nhận một ca nhiễm.
Theo các chuyên gia, tiến trình xác nhận bệnh tại Trung Quốc quá nhiều bước thủ tục. Quan chức y tế các tỉnh nói họ cần có thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng, chống dịch bệnh ở Bắc Kinh trước khi thông báo một ca nhiễm.
Theo chuyên gia Leong, các chuyên gia y tế cần phải nhanh hơn trong chẩn đoán các trường hợp có triệu chứng về hô hấp và các ca nhiễm - nghi nhiễm cần được cách ly sớm hơn để giảm thiểu rủi ro lây lan.
Trung Quốc nói không giấu giếm
Ba tuần sau khi dịch xuất hiện, ngày 20-1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng chỉ đạo ngành y tế quyết liệt ngăn dịch. Thủ tướng Lý Khắc Cường nói nước này sẽ hợp tác với WHO để ngăn đà lây lan.
Họp báo tại Quảng Châu ngày 21-1, ông Zhong Nanshan - chuyên gia về virus ở Trung Quốc nói nước này minh bạch trong xử lý dịch virus Vũ Hán, không hề giấu thông tin trong công bố quy mô dịch vì hiểu tầm quan trọng của việc xử lý tình hình y tế công cộng khẩn cấp. Theo ông Zhong, việc có một giáo sư Yuen Kwok-yung (Hong Kong) tham gia quá trình này cho thấy Bắc Kinh không hề có điều gì giấu giếm.
TS Zhong Nanshan nói Trung Quốc không giấu thông tin dịch virus Vũ Hán. Ảnh chụp thời điểm ông Zhong bàn về dịch SARS năm 2004. Ảnh: AP
Ông Zhong là một trong những chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về bệnh truyền nhiễm, có vai trò quan trọng trong việc Trung Quốc phản ứng với khủng hoảng SARS. Với dịch virus Vũ Hán lần này, ông Zhong cũng nằm trong đội cố vấn nhà chức trách Trung Quốc xử lý khủng hoảng.
“GS Yuen tham gia một số cuộc họp chính của chúng tôi, trong đó có một cuộc họp do Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan chủ trì và trong cuộc họp ông Yuen còn đưa ra một số đề xuất” - ông Zhong nói.
Người dân đeo khẩu trang tại một trạm tàu điện ở Đài Bắc ngày 21-1. Ảnh: EPA
GS Yuen Kwok-yung là chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại ĐH Hong Kong. GS Yuen nằm trong nhóm các chuyên gia đến Vũ Hán ngày 19-1 để đánh giá tình hình. Tại Hong Kong ngày 21-1, ông Yuen cảnh báo dịch virus Vũ Hán đã đi vào giai đoạn truyền nhiễm giữa các thành viên trong gia đình và ở bệnh viện, đã bước gần hơn đến một nạn dịch cộng đồng toàn diện.
Ông Zhong cũng xác nhận điều này: “Lần này tôi làm việc cùng GS Yuen để xác định dịch lây lan thế nào… Giai đoạn một truyền nhiễm từ động vật sang người… và giờ chúng ta đang ở giai đoạn hai, truyền từ người sang người”.
Virus Vũ Hán giống virus gây cúm, tuy nhiên các triệu chứng của người nhiễm có thể diễn tiến nghiêm trọng từ cảm lạnh, cảm cúm sang viêm phổi nặng gây tử vong. Virus Vũ Hán thuộc cùng họ với virus SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) cũng xuất phát từ Trung Quốc năm 2002 và virus MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông). Các nước châu Á đang và sẽ phải đón hàng ngàn người Trung Quốc du lịch sang trong dịp tết cổ truyền. Ba điểm đến nhiều nhất của Vũ Hán là Bangkok, Hong Kong, Tokyo. Giáo sư về sinh vật học và y tế toàn cầu Anant Bhan tại ĐH Yenepovya (Ấn Độ) cảnh báo tất cả các nước cần được đặt vào tình trạng “báo động cao” vì “các bệnh truyền nhiễm không màng tới vấn đề biên giới khi lây lan”. Các điểm đến quốc tế trong khu vực khẩn trương áp dụng các biện pháp tầm soát, phát hiện bệnh, phần lớn là triển khai thiết bị tầm soát nhiệt độ. Tuy nhiên, vì bản chất của các coronavirus, áp dụng máy tầm soát nhiệt độ có thể không hiệu quả trong phát hiện. Theo giáo sư về vi trùng học Stanley Perlman tại trường y Carver thuộc ĐH Iowa (Mỹ), những người nhiễm hoàn toàn có thể vượt qua máy tầm soát nhiệt độ để vào biên giới trước khi họ phát triệu chứng. Hiện nhà chức trách Úc đang theo dõi một ca nghi nhiễm ở Brisbane. Philippines ngày 21-1 xác nhận một trẻ em Trung Quốc sang dương tính với một loại coronavirus nhưng không phải SARS hay MERS. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến họp khẩn vào ngày 22-1 cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đến thời điểm này, WHO vẫn chưa ra cảnh báo hạn chế thương mại hay đi lại. Nhưng các biện pháp này có thể sẽ được bàn trong phiên họp ngày 22-1. Trung Quốc cũng sẽ có đại diện tham gia phiên họp này. Trước mắt WHO xác nhận virus Vũ Hán có thể lan từ người qua người. Một minh chứng là trong số các ca nhiễm ở Vũ Hán có 15 ca là các nhân viên y tế từng chăm sóc những người nhiễm. |