Bên khơi mào cho việc “tìm sự thật” nói là trả cho sự trong sáng nhưng thực chất cũng là tạo scandal để làm lợi “câu view” quanh tên tuổi cầu thủ đang nổi tiếng này. Phía ngược lại thì gồng lên khẳng định ngay, kể cả những vị ở VFF rồi còn cả một cuộc vận động để chống lại thông tin trên.
Tự dưng những tháng ngày bình lặng của Công Phượng bên gia đình sau những giải đấu quá mệt mỏi nay lại làm xáo trộn hết mọi thứ lên và bản thân Công Phượng giờ cũng bị những dư chấn về tâm lý không nhỏ.
Hãy trả lại sự tĩnh lặng cho Công Phượng như điều mà nhiều người vẫn muốn đó là mong Phượng và các cầu thủ U-19 vẫn cứ chơi bóng bằng đam mê, bằng sự vô tư.
Thời gian qua nhiều người đã lợi dụng sức hút của U-19 của Công Phượng để làm nhiều thứ từ khai thác một “hot boy” đến biến các cầu thủ thành những cỗ máy phục vụ cho mục đích của người lớn…
Có một thực trạng về chuyện tuổi tác của trẻ em Việt Nam đặc biệt ở vùng nông thôn đó là nhiều trẻ em khi sinh ra rất ít được cha mẹ làm khai sinh (giấy tờ pháp lý duy nhất liên quan đến ngày tháng năm sinh của một công dân). Cho đến khi con đến tuổi nhập học hoặc quá tuổi nhập học, thậm chí quá tuổi vài ba năm cha mẹ mới dẫn đến trường nhập học và khi nhà trường buộc bổ sung khai sinh thì mới đến phòng hộ tịch để làm cho con.
Một thực trạng khác là những người quản lý thể thao vì bệnh thành tích đã dễ dàng làm giấy tờ giả cho trẻ em. Chuyện xảy ra rất nhiều ở các giải đấu nhi đồng và trẻ đến độ có năm cả một đội tuyển nhi đồng khai man tuổi và khi ban tổ chức lấy đội thứ hai đôn lên thì cũng lòi ra cả đội đấy cũng khai man và sang đội thứ ba thì cũng thế.
Những đứa trẻ trong đó có Công Phượng không có lỗi mà lỗi là ở người lớn rồi cả những người thấy thằng bé nổi tiếng quá và khai thác tạo scandal quanh thằng bé… Tôi rất lo vụ này khi khép lại rồi sẽ lại lòi thêm ra nhiều vụ khác khai thác quanh những đứa trẻ đang được mọi người yêu thương để rồi giết những tài năng bằng những quả bom công luận đổ lên đầu những đứa trẻ nổi danh vì có tài.
Xin hãy khép lại vụ này và hãy trả lại cho những đứa trẻ sự hồn nhiên thay vì những người lớn cứ bắt các em phải chống chọi với cơn bão trong thời đại thông tin và những “miếng đánh có chủ đích”.
LÊ DUY ĐỨC (Phường 24, Bình Thạnh, TP.HCM)