Ngược đời kích cầu kiểu… tăng phí?

Sau khi Ngân hàng (NH) Agribank công bố mức tăng phí, người dùng thẻ của một loạt NH khác như Eximbank, VIB… liên tục than khổ vì cũng bị tăng phí. Để trấn an người dùng, phía NH cho biết mức trần phí rút tiền mặt từ ATM mà NH Nhà nước cho phép là 3.000 đồng/giao dịch nhưng lần này chưa… tăng kịch trần.

ATM đâu chỉ lợi cho khách

Một khách hàng phân tích: “Việc lắp đặt cây ATM để người dân rút là giải quyết cho nhu cầu của cả hai bên. NH cắt giảm nhân viên, mặt bằng, giấy tờ…, không phải NH bỏ tiền đầu tư chỉ để khách hàng lợi mà chính NH cũng đang thu nhiều lợi ích từ ATM. Đây vốn là giải pháp quảng bá tên tuổi rất hữu hiệu, đồng thời tiết kiệm một khoản lớn chi phí hoạt động. Lúc mới có ATM, mọi NH đều khuyến khích khách hàng hãy ra ATM giao dịch, một số NH như TPBank, Đông Á… cây ATM rất đa năng, có thể giải quyết rất nhiều nhu cầu của khách, giảm tải đáng kể cho phòng giao dịch”.

Giao dịch ATM thuận lợi cho khách hàng và cả ngân hàng. Ảnh minh họa

Một góc nhìn khác, bạn đọc phân tích: “Giao dịch hai bên cần có sự công bằng. Nếu tăng phí rút tiền thì có tăng lãi suất giữ tiền trong tài khoản không? Bất cứ ai lãnh lương qua thẻ cũng phải để trong thẻ vài trăm đến vài triệu đồng, ổn định trong suốt mấy chục năm đi làm. Lãi suất cho số tiền đó, của hàng triệu con người đó, NH đã tính sòng phẳng chưa?”.

Có ngược xu thế phát triển?

Không chỉ phí dịch vụ rút tiền mặt ở ATM phi mã, hứa hẹn còn tăng thêm… mà một loại phí gây đau đầu không kém là phí chuyển khoản liên NH. Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến, giao dịch từ xa ngày càng phổ biến thì việc tăng phí chuyển khoản sẽ khiến cho tài khoản của người dùng thẻ tổn thất đáng kể, còn các NH lại có dịp tăng thu mạnh.

NH lý giải việc tăng phí nhằm gián tiếp định hướng người dùng hạn chế sử dụng tiền mặt, tăng giao dịch trực tuyến. Thế nhưng họ đã tự mâu thuẫn khi kích cầu bằng biện pháp tăng phí một hoạt động đương nhiên phải có khi giao dịch trực tuyến. “Đâu có ai đi khuyến mãi bằng cách tăng giá bao giờ?” - một bạn đọc bình luận.

Sử dụng giao dịch trực tuyến là xu hướng tất yếu và ngày càng phát triển. Ảnh minh họa

Tính đơn giản, nếu một ngày, một người thực hiện một giao dịch chuyển khoản với mức phí tối thiểu 8.000 đồng thì một tháng sẽ mất hơn 200.000 đồng tiền phí chuyển khoản. Số tiền này không thua gì phí thường niên một năm của thẻ tín dụng chuẩn một số ngân hàng.

Đối với người làm kinh doanh, tần suất và số tiền chuyển khoản sẽ còn tăng lên cấp số nhân. Vậy mức chi riêng cho hoạt động chuyển khoản của người dùng sẽ leo thang đến đâu? Theo xu hướng phát triển, việc hội nhập, liên thông giữa các đơn vị, hệ thống ngân hàng càng phải thông thoáng, nhanh chóng và ít tốn kém hơn. Về lý thì mức phí của các giao dịch này phải giảm đi chứ không thể tăng lên.

Tăng thu phí để… sàng lọc khách hàng

TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích: Thực ra, không phải đến bây giờ mới có tình trạng NH tăng phí dịch vụ mà nhiều ngân hàng đã thực hiện tăng phí dịch vụ từ lâu rồi.

Nhìn về phía góc độ của các NH, việc tăng phí hoàn toàn dễ hiểu bởi đầu tư thì phải sinh lời, trong khi NH phải bỏ số tiền khá lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, bao gồm hệ thống corebanking, hệ thống đường truyền, máy ATM…. Đến thời điểm hiện tại, khi đã thu hút được khối lượng khách hàng nhất định, các NH cần phải thu hồi vốn để tái đầu tư, để đảm bảo duy trì được chất lượng dịch vụ, đáp ứng được đòi hỏi của khách hàng.

Tăng phí cũng là cách để NH sàng lọc lại khách hàng. Nếu người sử dụng dịch vụ NH nào đã quen với dịch vụ thì cho dù tăng phí khách hàng vẫn ở lại; còn khách hàng nào cảm thấy không phù hợp với dịch vụ hay chi phí thì có thể lựa chọn chuyển qua NH khác.

Tuy nhiên, thu phí, tăng phí như thế nào là hợp lý, việc tăng thu có đi kèm với chất lượng dịch vụ, vấn đề an toàn có được đảm bảo không thì đó là điều mà các NH cần phải lưu ý. Thực tế có NH đầu tư chưa tới mức, chất lượng dịch vụ chưa xứng tầm nhưng vẫn tăng thu phí đối với khách hàng như vậy là không phù hợp và lúc đó khả năng khách hàng dịch chuyển qua NH khác có mức phí phù hợp hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn là điều có thể xảy ra.

Thậm chí có NH la lên là lỗ nên phải thu phí, cách giải thích này chưa phù hợp. Bởi lỗ hay lãi phụ thuộc vào chiến lược phát triển mảng bán lẻ của NH có hiệu quả hay không, chứ không thể “đổ lỗi” cho việc vì lắp đặt thêm ATM làm tốn thêm chi phí. Cứ cho là lắp thêm máy ATM thì tốn thêm chi phí nhưng bù lại việc nhận diện thương hiệu của NH được mở rộng hơn, cơ hội thu hút khách hàng mới cũng gia tăng, qua đó chi phí tìm kiếm khách hàng, marketing cũng cần được san sẻ phần nào.

THÙY LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm