Cảnh báo “ô nhiễm trắng” sẽ bủa vây Hà Nội và TP.HCM

Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia đưa ra những số liệu đáng báo động đối với tình trạng ô nhiễm túi nylon (còn gọi là “ô nhiễm trắng") tại Việt Nam, đặc biệt là hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Bộ TN&MT cho biết hiện Việt Nam là nước có lượng chất thải nhựa thuộc hàng tốp của châu Á (đứng thứ tư sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines). Trung bình mỗi hộ trong nước sử dụng 5-7 túi nylon/ngày, cả nước thải ra hơn 30 tỉ túi mỗi năm. Đặc biệt, hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon.

Theo GS Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ môi trường Việt Nam, túi nylon có thời gian phân hủy lâu, kéo dài trong hàng trăm năm. Nếu chôn lấp sẽ ảnh hưởng đến môi trường đất và nước, nếu đốt sẽ tạo ra các chất độc như dioxin, furan. Đặc biệt trong túi nylon có các độc chất hóa học và kim loại nặng nằm trong chất phụ gia tạo màu túi nylon gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Hội thảo “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy” do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức tại Quy Nhơn sáng nay, 4-6.

“Đi từ thành thị đến nông thôn khắp nơi thấy túi nylon, ra bãi biển cũng thấy, lên rừng cũng thấy. Chúng ta đã biết nó có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường, với sức khỏe con người vì vậy cần phải có giải pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng “ô nhiễm trắng” này” - GSTS Hoàng Văn Đoàn, ĐH Quy Nhơn, nói.

Theo đó ông đề nghị Nhà nước cần có chính sách mạnh để hạn chế sử dụng túi nylon, khuyến khích dùng các loại túi tự tiêu hủy, thân thiện với môi trường. Mặt khác cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để cho người dân thay đổi thói quen trong việc sử dụng túi nylon sang các loại túi thân thiện môi trường khác.

Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, quản lý…, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho hay: “Sau hội thảo Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị của bộ xây dựng và đề xuất đề án quản lý, kiểm soát ô nhiễm chất thải nhựa, túi nylon khó phân hủy tại Việt Nam và đưa ra chương trình phối hợp với các cơ quan khác với mục đích ngăn chặn tình trạng “ô nhiễm trắng”, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở nước ta”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm