Lý giải trình trạng HS-SV phạm pháp: Môi trường xã hội ủng hộ cái xấu?

Xã hội không cung cấp cho người ta những hành vi chuẩn mực, ngược lại những việc làm xấu lại được mặc nhiên coi như việc bình thường trong xã hội… nên học sinh, sinh viên (HS-SV) không tìm thấy sự soi chiếu để điều chỉnh hành vi của mình. PGS-TS Nguyễn Hồi Loan (khoa Xã hội học, ĐH KHXH&NV Hà Nội) đánh giá như vậy.

Làm bạn với nhóm lệch chuẩn

. Phóng viên: Thưa ông, báo cáo tổng kết năm năm thực hiện Thông tư liên tịch 34/2009 của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an về công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở giáo dục nhận định tình trạng HS-SV phạm pháp gia tăng cả về tính chất lẫn mức độ nghiêm trọng của các vụ việc. Ông suy nghĩ như thế nào về thực trạng này?

+ Bạo lực trong HS-SV là một hiện tượng không chỉ xảy ra ở nước ta mà nó diễn ra ở nhiều nước, trong đó có cả những nước phát triển. Đó là một thực tế mà xã hội phải nhìn nhận và đương đầu. Điều đáng nói, cũng là những hành vi bạo lực nhưng trước đây chúng ta thấy nó đơn giản, xuất phát từ những hiềm khích cá nhân, những xung đột cá thể với nhau thì nay xuất hiện nhiều như một hiện tượng xã hội, mức độ nghiêm trọng hơn mà cụ thể là những hành vi đe dọa đến tính mạng của nhau, gây bất an cho cộng đồng.

. Vậy theo ông, điều gì tác động dẫn đến hiện tượng xã hội đáng lo ngại như vậy?

+ Phân tích điều này thì phải đặt ra rất nhiều khía cạnh, trong đó khía cạnh gia đình rất quan trọng. Giáo dục gia đình có ý nghĩa rất lớn đối với việc hình thành tính cách con cái. Một đứa trẻ sống trong một môi trường mà sự quan tâm của cha mẹ còn thờ ơ, còn lãnh đạm, không mang lại hạnh phúc… thì khi ra ngoài xã hội, chứng kiến những người khác được chia sẻ, được hạnh phúc thì đứa trẻ đó có xu hướng muốn tước đoạt hạnh phúc của đứa trẻ khác bằng bạo lực. Cũng như vậy, nếu trong gia đình, trường học cá nhân người đó không được coi trọng thì họ sẽ tìm sự tôn trọng trong những nhóm bạn mà tôi dùng khái niệm là nhóm không chính thức hay nhóm lệch chuẩn.

Tình hình HS-SV phạm pháp từ năm 2009 đến 2014. Ảnh: H.HÀ. Đồ họa: T.HOAN

Cái ác lấn cái thiện

. Ngoài yếu tố gia đình như ông nói, còn có những yếu tố nào tác động dẫn đến việc phạm tội trong HS-SV nữa không?

+ Có chứ, đó chính là môi trường xã hội. Chúng ta phải thừa nhận mối quan hệ giữa con người ngày nay trở nên lỏng lẻo hơn. Do mặt trái kinh tế thị trường, lợi ích cá nhân làm mối quan tâm, săn sóc lẫn nhau không còn được như trước đây.

. Ông có thể nói rõ hơn về sự lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa con người với con người?

+ Trong cơ chế thị trường, con người dành nhiều thời gian cho công việc để kiếm được nhiều tiền nhất cho nên thời gian dành cho nhau, ngay trong cả trong gia đình cũng giảm sút. Một số mối quan hệ được tiền tệ hóa, như với con cái trách nhiệm chăm sóc của cha mẹ được thay bằng việc bỏ tiền thuê những người khác thực hiện nghĩa vụ của mình. Tiền giải quyết được nhiều việc và có người cho rằng nó cũng thay thế được tình cảm dành cho nhau.

. Còn về môi trường xã hội, ông có chứng minh gì về sự tác động của nó?

+ Xã hội đôi khi chúng ta thấy có hiện tượng cái ác lấn cái thiện. Ví dụ như những vụ ăn cắp, ăn trộm hay bạo hành ngoài đường diễn ra một cách công khai, chúng ta trông thấy nhưng thờ ơ với nó thay vì phải lên án quyết liệt. Những việc như thế tác động ngược lại nhận thức của người trẻ. Các em cảm nhận môi trường ủng hộ cái xấu, dẫn đến các em dễ có các hành vi tương tự. Bên cạnh đó, các game, phim ảnh bạo lực, trang web đen… cũng kích thích bản năng của các em lên rất nhiều, dẫn đến hành vi tập nhiễm.

. Có ý kiến cho rằng các hành vi lệch chuẩn của các em cũng là hệ quả của giáo dục?

+ Giáo dục đương nhiên không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Con người chỉ có thể điều chỉnh hành vi của họ khi họ có một nền tảng gốc rễ để soi chiếu. Nếu nền tảng của họ đã được trang bị đầy đủ với những giá trị tốt thì đứng trước các lựa chọn hành vi, họ có điểm tựa nhân cách trong mình để hành động đúng. Giáo dục của ta thì chỉ thiên về dạy cho học sinh để thi chứ không phải dạy thành người. Như vậy bên ngoài xã hội không cho họ một phản chiếu đúng, bên trong họ nhân cách lại không được trang bị đầy đủ… Khi gặp những tình huống nhất định, yếu tố xấu dễ thắng thế và bị kích hoạt.

Đừng coi con là rôbốt

. Vậy theo ông đâu là giải pháp để hướng người trẻ vào những hành vi chuẩn mực, hạn chế những hành vi lệch chuẩn?

+ Phụ huynh hãy xem đứa trẻ là một thành viên trong gia đình. Đừng coi con cái là một bông hoa để nâng niu quá mức, cũng không phải là một con rôbốt để nhồi nhét mong muốn của cha mẹ cho con cái thực hiện. Giáo dục nên đặt người trẻ vào đời sống thực tiễn, đời sống xã hội. Người trẻ phải hòa nhập, được tiếp xúc với những bạn bè khác để hiểu được thiệt thòi của người khác mới có sự cảm thông, chia sẻ. Xã hội thì cần lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái.

VIẾT THỊNH thực hiện

Một số vụ án gần đây

- Bùi Quang Duy (24 tuổi, SV năm tư ĐH Bách khoa Hà Nội) vừa bị bắt về hành vi trộm cắp tài sản. Duy sống trong khu ký túc xá của trường và là đối tượng nghiện game, thích ăn diện. Để có tiền tiêu xài, chỉ trong tháng 7-2014, Duy đã thực hiện tám vụ trộm cắp tài sản với giá trị lên đến hàng chục triệu đồng.

- Tối 29-6, tại một quán bia ở phường Vệ An (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Tuấn Anh (17 tuổi, HS lớp 10 Trường THPT Lý Nhân Tông) cùng ba đối tượng khác bất ngờ xông vào quán đánh, chém chết NTA (17 tuổi, cũng HS lớp 10 cùng trường). Nguyên nhân bắt nguồn từ một mâu thuẫn nhỏ khi hai em tập thể dục thể hình.

- Ngày 31-5, Tạ Quang Nghĩa (24 tuổi, quê Hà Giang, SV Trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) đánh thầy NHO (giảng viên của trường) bị thương bằng thanh sắt trong nhà vệ sinh trường. Bị bắt, Nghĩa khai lý do đánh thầy là em nghỉ học ba buổi, bị thầy cấm thi nên trả thù.

- Ngày 18-5, Nguyễn Thị Thu Trang (15 tuổi, HS lớp 9 Trường THCS Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) đã dùng dao đâm chết em NTT (15 tuổi, HS lớp 9 Trường THCS Dị Sử, huyện Mỹ Hào). Trước đó hai em đã có vài lần cãi nhau.

- Ngày 13-5, Nguyễn Hữu Trí (18 tuổi, HS lớp 12 Trường THPT Kế Sách, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) tới nhà người cô ở thị trấn Kế Sách chơi. Thừa dịp người cô đi vắng, Trí sàm sỡ với chị NTTH (25 tuổi, đang ở nhà người cô). Bị phản ứng, Trí đã dùng dây siết chặt cổ chị H. bất tỉnh, sau đó lấy dao Thái Lan cắt cổ nạn nhân.

- Ngày 25-4, Phan Minh Tân (23 tuổi, trú huyện Tân Kỳ, Nghệ An, SV Trường ĐH Kinh tế Nghệ An) bị bắt vì mua bán trái phép chất ma túy. Tại cơ quan điều tra, Tân khai vì nhận thấy lợi nhuận kếch xù từ việc buôn hàng trắng nên đã nhiều lần vận chuyển ma túy về bán lẻ cho các con nghiện.

- Sáng 24-2-2014, tại một phòng trọ ở phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế), Lê Văn Tuân (22 tuổi, SV Trường Trung cấp Y Đà Nẵng) đã bóp cổ bạn gái NTAT (20 tuổi, SV khoa Luật ĐH Huế) đến chết. Sau đó Tuân tự cắt mạch máu ở tay và treo cổ tự vẫn ngay trong phòng trọ.

- Ngày 15-9-2013, Mai Văn Phương (24 tuổi, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng, SV Trường CĐ Việt-Úc, Đà Nẵng) đã xông vào tiệm vàng Ngọc Hồng (đường Trường Chinh, quận Thanh Khê), dùng đá đập tủ kính và lấy toàn bộ số vàng nữ trang đang trưng bày trong tủ kính, tổng giá trị khoảng 170 triệu đồng. Phương đã bị bắt ngay ngày hôm sau.

AT tổng hợp

Tình trạng HS-SV phạm pháp tiếp tục gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ việc. Đó là nhận định được nêu ra trong báo cáo tổng kết năm năm thực hiện Thông tư liên tịch số 34/2009 của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an về công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở giáo dục mới đây. Báo cáo cũng đưa ra con số thống kê (chưa đầy đủ) từ năm 2009 đến nay, HS-SV có liên quan đến trên 8.000 vụ việc vi phạm pháp luật hình sự. Trong đó, các hành vi gây rối trật tự công cộng có 935 vụ, tội phạm ma túy có 357 vụ, giết người có 37 vụ, trên 6.000 vụ trộm, cướp tài sản…

Một bộ phận không nhỏ HS-SV chạy theo lối sống thực dụng, đua đòi, xa rời những chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Khi không có tiền để phục vụ nhu cầu trước mắt của bản thân thì dẫn đến trộm cắp, thậm chí cướp giật, giết người. Trong khi đó các tổ chức thanh niên, phụ nữ chỉ mang nặng tính hình thức, chỉ hô hào, khẩu hiệu chứ chưa đi sâu vào thực tế, chưa hấp dẫn giới trẻ.

Đại tá VŨ ĐỨC THÀNH, Trưởng phòng PA83 Công an TP Hải Phòng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm