Nông nghiệp manh mún, phụ thuộc nhiều vào thời tiết

Sáng 30-7, tại thành phố Đạt Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; hơn 600 đại biểu là các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các đối tác phát triển trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các đại biểu cần chỉ rõ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn vào lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Thủ tướng cho hay năm 2017, Việt Nam có hơn 9 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD gồm: Thuỷ sản 8,3 tỷ USD; rau quả 3,05 tỷ USD; hạt điều 3,5 tỷ USD; cà phê 3,24 tỷ USD; hạt tiêu 1,1 tỷ USD; gạo 2,6 tỷ USD; sắn và các sản phẩm từ sắn 1,03 tỷ USD…

6 tháng đầu năm 2018, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cao như: Thủy sản hơn 3,9 tỷ USD; cà phê 2 tỷ USD; rau quả 2 tỷ USD; gạo 1,8 tỷ USD; hạt điều 1,7 tỷ USD…

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Ngành nông nghiệp còn phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá; phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng thấp.

“Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm; sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Theo ước tính, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng doanh nghiệp cả nước. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lĩnh vực nông nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững nếu không tập trung tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới; gắn với điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương; gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng

Do đó, phải đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, trong đó phải dựa vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng cao trong mọi quy trình từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; đổi mới tổ chức sản xuất, cách thức tổ chức chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Để giải quyết những yêu cầu trên, việc thúc đẩy doanh nghiệp (trong đó có các hợp tác xã) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là nhân tố có ý nghĩa quyết định.

“Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ đảm nhận vai trò trung tâm, từ cung cấp vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, cung cấp các dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất - chế biến - bảo quản - đến tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm - tạo thành một chu trình khoa học, khép kín”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Chiều 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham quan mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao của một doanh nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng- Ảnh: VGP

Ngày 29-7, tại Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm trang trại sản xuất giống, khu sản xuất rau thủy canh, khu sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP và thăm khu sơ chế sau thu hoạch của Công ty Phong Thúy tại tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Công ty có trang trại trồng các loại rau, quả diện tích 55 ha, sản lượng 5.000 tấn/năm. Ngoài ra, công ty còn đang liên kết với 30 hộ dân để sản xuất nông sản với diện tích 75 ha. Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, từ khâu giống đến thu hoạch, nên công ty đã đạt doanh thu cao trên một đơn vị diện tích.

Riêng mô hình sản xuất nông sản công nghệ cao trong nhà kính đã mang lại doanh thu từ 1-3 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Năm 2016, tổng doanh thu của Phong Thúy đạt trên 120 tỷ đồng. 10% sản lượng nông sản sản xuất ra được xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Với quy mô sản xuất như hiện nay, công ty đang tạo thu nhập ổn định cho khoảng 300 lao động và các hộ liên kết.

Đánh giá cao việc công ty đã đầu tư công nghệ cao để sản xuất nông sản an toàn, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị công ty tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh phát triển thị trường, qua đó, giúp người tiêu dùng trong nước biết đến thương hiệu nông sản Phong Thúy và được sử dụng nông sản an toàn, đồng thời góp phần thúc đẩy xuất khẩu rau củ quả an toàn thương hiệu Việt ra thị trường thế giới.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm