9 năm đòi công lý của ‘nữ hoàng lục bình’

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã mời các bị can trong vụ tham ô tài sản xảy ra tại Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh Sóc Trăng đến nhận kết luận điều tra.

Bị quy kết tham ô vặt dù có mở lớp học

Đây là kết luận điều tra bổ sung mới nhất của CQĐT. Điểm mới của kết luận điều tra bổ sung này là bà Huỳnh Ngọc Bích (53 tuổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ Ngọc Bích ở huyện Mỹ Xuyên) không bị đề nghị truy tố. Theo CQĐT, việc bà Bích nhận 17,6 triệu đồng của TTKC tỉnh không phải là hành vi cấu thành tội phạm tham ô tài sản.

Gần một tuần trước đó, lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng cũng đã ký quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Bích vì bà không có hành vi cấu thành tội phạm. Trong quyết định này, bà Bích được nhận lại 17,6 triệu đồng “tang vật” của vụ án vốn kéo dài gần 10 năm nay.

Theo hồ sơ, bà Bích đại diện HTX Ngọc Bích ký hợp đồng với TTKC tỉnh Sóc Trăng và nhận 17,6 triệu đồng để mở các lớp dạy nghề cho bà con nông dân.

Cho rằng bà Bích không mở lớp mà chiếm đoạt số tiền trên, năm 2009, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố bà về hành vi tham ô tài sản.

Thời điểm đó bà đang là chủ nhiệm một HTX đan lát bằng nguyên liệu lục bình (cây trôi trên sông mang lên phơi khô) với hơn 8.000 lao động nên được người dân gọi là “nữ hoàng lục bình”.

Bà Bích bắt đầu hành trình kêu oan của mình. Cuối tháng 4-2011, Liên minh HTX Việt Nam đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh việc mở các lớp học của HTX Ngọc Bích theo hợp đồng ký với TTKC tỉnh Sóc Trăng. Qua làm việc với học viên của năm lớp học mà CQĐT cho rằng bà Bích không tổ chức, đoàn kiểm tra khẳng định bà Bích có mở lớp đầy đủ theo hợp đồng ở các điểm Thuận Hòa, An Hòa, Bình Hòa, Nhơn Hòa của xã Gia Hòa 2 và lớp tại xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên). Khi khai giảng các lớp này, cán bộ huyện, xã dự đầy đủ và báo, đài địa phương chụp ảnh, quay phim, đưa tin rầm rộ bởi đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nghèo miền Tây. Từ đó đoàn kiểm tra kết luận số tiền HTX Ngọc Bích nhận về (17,6 triệu đồng) từ việc mở lớp cho bà con là hợp pháp.

Bà Huỳnh Ngọc Bích tại hợp tác xã mang tên mình. Ảnh: HY

Chính thức được minh oan

Kết luận của đoàn kiểm tra được gửi cho các cơ quan tố tụng. Dù vậy, tháng 3-2012, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm lần đầu vẫn phạt bà Bích sáu tháng tù treo. Cùng tội tham ô tài sản, sáu bị cáo khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ TTKC tỉnh, chủ nhiệm HTX… lần lượt lãnh 2-4 năm tù.

Cho rằng mình có mở đầy đủ các lớp dạy nghề theo hợp đồng ký với TTKC tỉnh, bà Bích kháng cáo kêu oan. Tháng 4-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm lần đầu đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.

Năm 2015, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm lần hai đã tuyên bà Bích không phạm tội, các bị cáo còn lại mỗi người 5-8 năm tù. Bản án này sau đó bị VKSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị, các bị cáo lãnh án tù kháng cáo. Tháng 3-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại lần thứ hai.

Sau khi điều tra lại và truy tố các bị can lần thứ ba, tháng 5-2018, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm lần ba đã trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ nhiều vấn đề. Và đến nay bà Bích đã chính thức được CQĐT kết luận là không có hành vi phạm tội như đã nói.

Hướng tới tương lai

Theo bà Huỳnh Ngọc Bích, trong thời gian bà bị vướng vào vòng tố tụng, HTX Ngọc Bích bị mất nhiều hợp đồng của đối tác, cuộc sống của bà và các xã viên đều gặp nhiều khó khăn. Để có thêm chi phí đi lại trong những ngày tháng kêu oan, bà Bích đi mua trái cây mang ra Nha Trang bán. Con của bà cũng cùng mẹ bươn chải buôn bán khắp nơi.

Tuy nhiên, không vì vậy mà bà bỏ cuộc bởi ngoài bản thân còn có một tập thể nên cần phải bảo vệ danh dự, uy tín của nhiều người. “Tôi phải đấu tranh để được minh oan, để có uy tín điều hành HTX và để cho hàng ngàn người lao động yên tâm sản xuất. Thử hỏi, vì chút xíu tiền đó mà mình tham ô thì người ta sẽ nghĩ mình như thế nào” - bà Bích chia sẻ.

“Những lớp học CQĐT cho là “ma”, thực tế tôi và các xã viên có dạy cho nông dân đầy đủ và dạy nhiều hơn kế hoạch. Vậy mà Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố tôi, đẩy HTX vào cảnh “rắn mất đầu”, nhiều công ty không dám ký hợp đồng với HTX, nhiều công nhân bắt đầu nản vì mất việc làm. Cũng có nhiều công nhân không hiểu nội tình, sợ liên lụy khi gắn bó với HTX nên bỏ việc khiến HTX không có hàng để bán” - bà Bích ngậm ngùi nhớ lại.

Nhưng HTX may mắn không bị phá sản bởi vẫn còn nhiều người khác sát cánh bên bà. Tập thể nòng cốt của HTX vẫn đoàn kết trong lúc khó khăn. Bà Bích kể: “Từ đầu năm đến nay, nhiều xã viên của HTX không nhận được đồng lương nào nhưng vẫn gắn bó vì anh em biết tôi bị oan. Đơn hàng có nhưng ít, không đủ thu nhập để trang trải công việc nên anh em họp lại và đồng ý không nhận lương, tiếp tục gắn bó với HTX”.

Bà Bích cho biết trước mắt sẽ củng cố lại HTX, liên hệ các đối tác để ký lại hợp đồng, bao tiêu sản phẩm, lo đời sống xã viên và người lao động để bà con có việc làm, thu nhập ổn định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm