Bị cáo nhận tội không kêu oan, LS từ chối bào chữa

Ngày 14-8, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên phúc thẩm vụ cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (NaviBank) nay là Ngân hàng Quốc Dân. 

Bước vào phần tranh luận, VKS cho rằng án sơ thẩm đã xét xử đúng người đúng tội và có cơ sở. Từ đó, VKS đề nghị tòa tuyên bác kháng cáo kêu oan của bảy bị cáo. Với ba nữ bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, VKS nhận thấy họ có lý lịch nhân thân tốt, tại phiên phúc thẩm thành thật hối cải và gia cảnh neo đơn khó khăn, bệnh tật… Từ đó VKS đề nghị giảm cho mỗi người 1-2 năm tù.

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm

Trước đó, sau phiên xử sơ thẩm, bị cáo Lê Quang Trí (nguyên tổng giám đốc NaviBank) và các bị cáo trong vụ án đều có đơn kháng cáo. Chỉ một bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên trưởng phòng Quản lý rủi ro NaviBank).

Đến phiên xử phúc thẩm, bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (cựu trưởng phòng Pháp chế NaviBank), người kêu oan từ đầu vụ án đến nay đã có đơn gửi HĐXX xin giảm nhẹ hình phạt. Và bà có đơn xin vắng mặt vì đổ bệnh trước phiên phúc thẩm phải nhập viện.

Trước sự vắng mặt của bị cáo Hiền, HĐXX cho rằng không gây trở ngại cho việc xét xử vì bị cáo cũng có lời khai đầy đủ tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm nên tòa vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày bị cáo này lại xuất hiện tại phiên tòa. 

Trong phần xét hỏi, bị cáo Hiền khai chưa ra viện nhưng đến phiên xử để mong HĐXX xem xét hồ sơ vụ án còn nhiều vấn đề mà bản án sơ thẩm còn chưa thấu đáo.. Bị cáo thừa nhận là có tội không kêu oan nhưng xin giảm nhẹ.

Theo bị cáo, với tư cách là trưởng phòng pháp chế, nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, năm 2010, 2011, bị cáo không được cung cấp thông tin đầy đủ về khoản vay, chỉ kiểm tra tính pháp lý, lúc đó đã kiểm tra đối chiếu theo quy định ngân hàng nên sau này khi xảy ra vụ án thấy bị oan. Sau thời gian kháng cáo, đọc lại bản án, nhận thấy được thiếu sót của mình trong nghiệp vụ. Lúc đó không biết gì về chủ trương cho vay tiền để đi gửi. Bị cáo chỉ kiểm tra hồ sơ pháp lý khoản vay, bị cáo thấy khách hàng đáp ứng được điều kiện về mặt pháp lý, nên không biết là vay để đi gửi tiền, không biết là mục đích sử dụng vốn vay thế nào…

Bị cáo này cũng trình bày thêm trước khi tham gia phiên xét xử này, bản thân có xác định biên bản y khoa bị suy giảm sức khỏe 62%. Bị cáo đang thất nghiệp, nuôi mẹ già, đã làm trong ngành ngân hàng nhiều năm. Đồng thời bị cáo Hiền cũng đưa ra tình tiết có 15 năm làm hội thẩm nhân dân tham gia công tác xét xử, đóng góp cho ngành tư pháp để được xem xét.

Trước thay đổi về nội dung kháng cáo từ kêu oan thành xin giảm nhẹ, một luật sư đã từ chối không bào chữa cho bị cáo này nữa. Theo luật sư này, ông bào chữa cho hai bị cáo trong vụ án này là ông Trí và bà Hiền và trước đó cả hai đều cho rằng bị oan. Nay bà Hiền thay đổi xin giảm nhẹ còn ông Trí vẫn kêu oan. Về nguyên tắc tố tụng hình sự, nay ông không bào chữa cho bị cáo Hiền mà chỉ bào chữa cho bị cáo Trí.  Ngoài ông, còn một luật sư khác bào chữa cho bà Hiền nên phiên xử vẫn đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo…

Từ ngày 28-2 đến 19-3, TAND TP.HCM xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Trí 13 năm tù. Chín bị cáo còn lại bị tuyên án phạt 7-12 năm tù cùng về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bản án sơ thẩm cho rằng vụ Navibank này là một phần trong “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của VietinBank (thuộc giai đoạn 2). Sai phạm các bị cáo thể hiện: Từ ngày 15-5-2011 đến ngày 27-11-2011, Navibank cho 13 nhân viên đứng tên với số tiền 500 tỉ đồng gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè. Cũng vào thời điểm này Thông tư số 02/2011/TT-NHNN có hiệu lực về quy định lãi suất không quá 14% nên lãi suất ghi trên các hợp đồng là 14%/năm, số tiền chênh lệch trên 15 tỉ đồng đã được Huyền Như chuyển trả ngay sau khi các nhân viên Navibank ký hợp đồng tiền gửi với VietinBank Chi nhánh Nhà Bè.

Tháng 7-2011, Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè) lấy lý do chuyển công tác về VietinBank Chi nhánh TP.HCM, cần tăng hạn mức huy động cho VietinBank Chi nhánh TP.HCM nên toàn bộ số tiền gửi đã chuyển về gửi tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Do Huyền Như đã rút tiền từ trước nên Huyền Như đã che giấu số tiền chiếm đoạt bằng cách dùng nguồn tiền khác chuyển trả vào tài khoản của một số nhân viên Navibank, sau khi các nhân viên chuyển tiền vào VietinBank Chi nhánh TP.HCM thì Huyền Như tiếp tục lập chứng từ giả để rút ra. Đến ngày 7-9-2011, Huyền Như trả lại cho Navibank 300 tỉ đồng, số tiền 200 tỉ đồng còn lại dù chưa tới hạn tất toán nhưng đã bị Huyền Như chiếm đoạt từ khi Navibank gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè.

5. Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau.
Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội.
(Khoản 5 Điều 72 BLTTHS) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm