Cán bộ Hải quan Cát Lái bị phạt 12 năm tù

Ngày 10-4, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử sơ thẩm vụ Nguyễn Trường Duy (nguyên cán bộ Đội Kiểm soát hải quan, Cục Hải quan TP.HCM) bị truy tố về tội nhận hối lộ.

Phần tranh luận, đại diện VKSND TP.HCM nhận định dù bị cáo Duy không nhận tội nhưng dựa vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của những người liên quan đủ căn cứ để xác định bị cáo có tội.

VKS: Không oan

Theo đó, lợi dụng chức vụ và quyền hạn được giao, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 12-2015, Duy dùng nhiều thủ đoạn để thỏa thuận, yêu cầu các doanh nghiệp (DN), người làm thủ tục khai báo hải quan cho DN phải chi tiền cho mình.

Bị cáo Duy đã nhận hối lộ của 50 DN với tổng số tiền 542 triệu đồng tại nhà riêng trên đường Trần Khắc Chân (quận 1, TP.HCM) và phòng làm việc ở cảng Cát Lái. Đối với hành vi đưa tiền của các DN, theo VKS cũng đủ yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ. Nhưng quá trình điều tra, xét thấy những người này đưa tiền là do bị ép buộc và sợ phát sinh chi phí khi DN bị kiểm tra hàng hóa khi làm thủ tục hải quan nên CQĐT không xử lý hình sự.

VKS khẳng định hành vi của Duy đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ, phạm tội rất liều lĩnh và số tiền thu lợi đặc biệt lớn nên cần xử lý nghiêm. Từ đó VKS đề nghị xử phạt bị cáo với mức án 12-14 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Trường Duy tại tòa. Ảnh: HY

Đáng chú ý, trong phần luận tội nhận định về những người liên quan, VKS đặt dấu chấm hỏi đối với một trường hợp cấp trên trực tiếp của bị cáo Duy. VKS cho rằng không thể hiểu được quy trình bổ nhiệm đối với trường hợp này.

Theo VKS, đó là ông Bùi Thành Chung (Đội phó Đội Kiểm soát hải quan) đã ký phiếu phối hợp không đúng quy định, không làm đúng chức năng của Đội Kiểm soát hải quan trong việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính.

Việc ký phiếu phối hợp kiểm tra tràn lan của ông Chung tạo tâm lý hoang mang, lo sợ, dẫn đến việc các DN phải tìm cách lo lót cho cán bộ hải quan như trong vụ án trên. Theo quy định, ông Chung phải chịu trách nhiệm trực tiếp vì để sai phạm xảy ra tại đơn vị, để một công chức hải quan do mình quản lý lợi dụng việc phối hợp để trục lợi.

Nhưng sai phạm này vẫn không bị Cục Hải quan TP.HCM, Tổng cục Hải quan xem xét, xử lý nghiêm khắc. Ngược lại, sau khi vụ án bị khởi tố, ông Chung còn được chuyển công tác và được đề bạt làm phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu chế xuất Linh Trung. Đây là câu hỏi cần được các cơ quan pháp luật giải đáp...

Tòa: Làm rõ hành vi của ông Chung

Trước đó, quá trình xét hỏi tại tòa, bị cáo Duy một mực kêu oan.

HĐXX hỏi: “Vì sao nhà mẹ bị cáo (nơi đưa nhận tiền chung chi) nhưng nhiều DN lại biết trong khi đây không phải là địa chỉ thường trú của bị cáo?”. Bị cáo Duy đáp trước khi vụ án xảy ra thì em gái của bị cáo qua đời, có nhiều người đến viếng nên họ biết nhà. Lý giải về việc thu giữ 64 chiếc phong bì tại nhà mẹ mình, Duy nói thời điểm đó bị cáo không có mặt tại hiện trường nên không rõ...

Một số chủ DN và người làm dịch vụ hải quan cho DN khai phải chi 1-7 triệu đồng cho mỗi container khi làm thủ tục thông quan cho Duy. Theo yêu cầu, họ mang tiền để trong phong bì ghi số tờ khai, số container… đến số nhà mà Duy yêu cầu, đưa tiền cho một phụ nữ hơn 60 tuổi.

Tranh luận với VKS, các luật sư cho rằng việc truy tố tội nhận hối lộ đối với bị cáo Duy là không có căn cứ. VKS thì cho rằng người quan trọng cần có mặt tại phiên tòa để làm rõ việc nhận tiền là mẹ của bị cáo Duy. Tuy nhiên, do bà lớn tuổi và bệnh nên không có mặt. Đồng thời, VKS cho rằng không luận tội suy diễn mà dựa trên các chứng cứ phù hợp cùng lời khai của các DN...

HĐXX đồng tình với các lập luận truy tố của VKS và xem xét các tình tiết nhân thân, tuyên phạt bị cáo Duy 12 năm tù.

Đáng chú ý, HĐXX đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ hành vi của ông Chung, nếu có sai phạm thì xử lý theo pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm