Giới thiệu ‘án lệ’ - Bài 4: Hợp đồng vô hiệu, xử lý hậu quả ra sao?

Công ty TNHH Orange Engineering (Hàn Quốc) được Công ty Cổ phần Phát triển Phú Mỹ (Bình Dương) chỉ định làm nhà thầu cung cấp dịch vụ thiết kế cho một dự án theo hợp đồng dịch vụ được ký ngày 15-6-2007.

Tranh chấp về hợp đồng thiết kế

Theo đơn khởi kiện của Công ty Orange tại TAND tỉnh Bình Dương, công ty này đã triển khai ngay các công việc theo hợp đồng và Công ty Phú Mỹ cũng đã thanh toán hai lần. Ngày 20-9-2007, Công ty Orange đã bàn giao cho Công ty Phú Mỹ CD và bộ bản vẽ chi tiết theo đúng khối lượng và tiến độ công việc đã cam kết. Tuy nhiên, Công ty Phú Mỹ không thanh toán lần ba theo cam kết nên Công ty Orange khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng và buộc Công ty Phú Mỹ thanh toán phần tiền còn lại cùng tiền lãi suất chậm thanh toán.

Công ty Phú Mỹ thì nói chưa nhận được các gói công việc hoàn chỉnh cũng như bản vẽ chi tiết và các chi tiết được yêu cầu bổ sung khác từ Công ty Orange... Mặt khác, Công ty Orange không đủ năng lực chuyên môn, không có giấy phép hành nghề thiết kế theo quy định của pháp luật Việt Nam nên đề nghị tòa bác yêu cầu của Công ty Orange.

Tháng 4-2011, TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm đã tuyên chấm dứt hợp đồng dịch vụ giữa hai bên, buộc Công ty Phú Mỹ thanh toán cho Công ty Orange 3,7 tỉ đồng. Công ty Phú Mỹ kháng cáo. Tháng 8-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Nhiều sai sót

Tháng 2-2012, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm. Tháng 8-2013, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao  xử giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại.

Theo hội đồng thẩm phán, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã có những sai sót:

Trước hết, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Xây dựng 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và nội dung các thỏa thuận tại hợp đồng dịch vụ mà hai bên đã ký thì quan hệ pháp luật có tranh chấp là hợp đồng dịch vụ trong hoạt động xây dựng. Hai cấp tòa xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp trong vụ án là hợp đồng dịch vụ, đồng thời áp dụng các quy định tại BLDS và Luật Thương mại để giải quyết là không đúng.

Cạnh đó, hai cấp tòa không yêu cầu Công ty Orange cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên không đủ cơ sở xác định tại thời điểm ký hợp đồng, công ty này có đủ điều kiện thực hiện thiết kế xây dựng công trình tại Việt Nam hay không. Hai cấp tòa cũng không thu thập giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư của Công ty Phú Mỹ.

Mặt khác, hồ sơ thể hiện Công ty Orange đã ký kết, thực hiện hợp đồng dịch vụ khi không có “giấy phép thầu” do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp theo quy định tại Quy chế quản lý lao động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 87 ngày 19-5-2004 của Thủ tướng). Trường hợp này lẽ ra hai cấp tòa phải làm rõ khi ký kết, thực hiện hợp đồng dịch vụ, Công ty Orange và Công ty Phú Mỹ có làm thủ tục để được cấp “giấy phép thầu” theo quy định không. Nếu đã làm thủ tục thì vì sao không được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp “giấy phép thầu”…

Hai cấp tòa chưa thu thập đầy đủ tài liệu và chưa làm rõ các vấn đề nêu trên mà đã xác định hợp đồng dịch vụ giữa hai bên là hợp pháp là không đúng.

Việc bàn giao CD cùng bộ bản vẽ chi tiết của dự án giữa hai bên không được lập thành văn bản nhưng hai cấp tòa không làm rõ nguyên đơn đã bàn giao sản phẩm thiết kế ngày nào, bàn giao những gì, nội dung và khối lượng công việc có đúng thỏa thuận hay không. Trong vòng 10 ngày sau khi nhận bàn giao, bị đơn có ý kiến phản hồi về sản phẩm không (nếu có phản hồi thì phản hồi bằng hình thức nào, nếu không có phản hồi thì sau khi bàn giao sản phẩm hai bên có thỏa thuận gì khác không). Có việc nguyên đơn tiếp tục bàn giao các bản thiết kế sau khi hoàn chỉnh theo yêu cầu của bị đơn, nếu có thì bàn giao trên cơ sở thỏa thuận nào. Bị đơn đã sử dụng một phần hay toàn bộ sản phẩm thiết kế của nguyên đơn…

Do đó, để có đủ cơ sở giải quyết vụ án chính xác, đúng pháp luật thì dù xác định hợp đồng vô hiệu hay hợp pháp, tòa đều phải yêu cầu các bên cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cũng như sử dụng các biện pháp thu thập chứng cứ khác nhằm làm rõ các vấn đề trên. Nếu xác định hợp đồng dịch vụ vô hiệu thì phải buộc Công ty Phú Mỹ thanh toán cho Công ty Orange phần giá trị tương ứng với khối lượng công việc mà Công ty Orange đã thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng.. Còn nếu hợp đồng dịch vụ hợp pháp thì phải buộc Công ty Phú Mỹ thanh toán cho Công ty Orange phần giá trị tương ứng với khối lượng công việc mà Công ty Orange đã thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng cùng tiền lãi suất do chậm thanh toán...

Hai quan điểm

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) và luật sư Trần Văn Đạt (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) cùng chung nhận xét: Vụ án này cần được phát triển thành án lệ để thống nhất trong việc thụ lý, xét xử đối với tranh chấp kinh doanh thương mại. Theo các luật sư, nhận định của hội đồng thẩm phán đã chỉ ra được những thiếu sót về xác minh, thu thập chứng cứ, áp dụng pháp luật của các tòa sơ, phúc thẩm. Quyết định hủy toàn bộ hai bản án sơ, phúc thẩm để xét xử lại, khắc phục những sai sót trong quá trình giải quyết án nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đương sự là hoàn toàn phù hợp.

Luật gia Đồng Mạnh Hùng (Hội Luật gia TP.HCM) lại cho rằng không nên phát triển án lệ này. Theo ông, quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán có phần vượt quá phạm vi yêu cầu của cả hai bên nguyên, bị đơn bởi Công ty Phú Mỹ không yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà chỉ đề nghị tòa không chấp nhận yêu cầu của Công ty Orange. Mặt khác, pháp luật hiện hành đã quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp hợp đồng vô hiệu hay không…

Những điểm chưa rõ, chưa thuyết phục

Quyết định giám đốc thẩm còn một số điểm chưa rõ như căn cứ pháp luật để cho rằng hợp đồng dịch vụ giữa các bên vô hiệu chưa rõ ràng. Hội đồng thẩm phán cho rằng hợp đồng nói trên có thể bị vô hiệu nhưng không nói rõ vô hiệu vì lý do gì, có phải do nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật hay không, nếu vô hiệu do vi phạm điều cấm thì điều cấm đó được quy định ở văn bản pháp luật nào...

Cạnh đó, nội dung đề xuất lựa chọn làm án lệ nói bên làm dịch vụ phải thanh toán cho bên thuê dịch vụ nhưng không nói rõ thanh toán theo giá nào. Thực tế các thẩm phán lúng túng không biết xác định theo giá nào nên có sự vận dụng khác nhau. Trong khi đó, hội đồng thẩm phán lại chưa chỉ ra được đường lối để khắc phục vướng mắc, cũng không giải thích rõ cái mà các bên đã nhận là cái gì trong trường hợp này...

Ngoài ra, hội đồng thẩm phán không giải thích vì sao trong trường hợp hợp đồng vô hiệu, bên thuê làm dịch vụ chậm trả thanh toán tiền tương ứng với khối lượng công việc mà bên làm dịch vụ đã làm thì họ không phải chịu trả tiền lãi theo Điều 305 BLDS 2005 (quy định về việc chậm trả tiền thì phải trả lãi). Nếu chỉ là hoàn trả cho nhau những gì đã nhận thì không công bằng, làm cho một bên bị thiệt hại, còn bên kia được hưởng lợi mà không có căn cứ pháp luật…

Luật chưa dự liệu, chưa bao quát hết những tình huống trên, TAND Tối cao chưa có hướng dẫn nên án lệ cần bù đắp những chỗ trống này. Cần phải làm rõ những trường hợp tương tự mà hợp đồng vô hiệu thì xử lý hậu quả như thế nào. Đối chiếu với ý nghĩa của án lệ và tiêu chí về án lệ mà TAND Tối cao đặt ra thì quyết định giám đốc thẩm này chưa đáp ứng được.

Thẩm phán NGUYỄN CÔNG PHÚ,
Phó Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm