Thêm một nghi án oan lạ kỳ ở Bình Chánh?

VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM vừa trả hồ sơ vụ án ông Văn Công Bình bị truy tố về tội đánh người thi hành công vụ cho Cơ quan CSĐT công an huyện này điều tra bổ sung theo đề nghị của tòa án cùng cấp.

Phiên tòa “ba không”, hội đồng vẫn kết án

ngày 26-5, VKSND huyện Bình Chánh đã ban hành cáo trạng lần hai truy tố ông Công Bình tội danh trên. Hồ sơ truy tố đã được chuyển qua tòa nhưng tòa đã trả hồ sơ.

Trước đó TAND TP.HCM đã từng hủy án để điều tra, xét xử lại vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Tháng 9-2014, TAND huyện Bình Chánh xét xử sơ thẩm lần đầu và đã kết tội ông Công Bình chống người thi hành công vụ với mức án sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ông Công Bình không có mặt tại phiên tòa. Trong hồ sơ, ông không thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Phiên tòa này cũng không có mặt người liên quan và người làm chứng.

Một phiên tòa “ba không” (không bị cáo, không người liên quan, không người làm chứng) như thế nhưng cuối cùng HĐXX TAND huyện Bình Chánh vẫn kết tội và tuyên án đối với ông Công Bình. Sau đó, VKSND TP.HCM đã kháng nghị hủy bản án sơ thẩm.

Tháng 12-2015, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy án, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.

HĐXX phúc thẩm cho rằng vụ án chưa được điều tra làm rõ nhiều vấn đề nhưng cấp sơ thẩm đã kết tội là không ổn. Cụ thể, ông Công Bình không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cơ quan tố tụng không cho đối chất, làm rõ; người làm chứng cũng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; ông Công Bình là người khuyết tật (cụt hai chân) nhưng không cử luật sư trợ giúp. Ngoài ra, tòa phúc thẩm cho rằng việc vắng mặt bị cáo, người liên quan và người làm chứng tại phiên tòa sơ thẩm là vi phạm tố tụng.

Người “chống người thi hành công vụ” Văn Công Bình. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Chuyện ở quán nhậu và hậu quả pháp lý

Hồ sơ vụ án thể hiện đêm 24-1-2014, ông Nguyễn Nhật Bình, cảnh sát khu vực ấp 1 (Công an xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) và ông Trần Duy Nam (dân quân xã) tuần tra trên địa bàn. Khoảng 23 giờ, khi đi trên đường Láng Le Bàu Cò, thấy quán ăn Tuấn Hưng của anh Đỗ Văn Tuấn vẫn còn hoạt động nên ông Nhật Bình đứng trước cổng gọi chủ quán ra nhắc nhở không được buôn bán quá giờ quy định.

Lúc này, bị cáo Công Bình và ông Lê Văn Thanh đang ngồi uống rượu trong quán, thấy ông Nhật Bình liền nói với ra mời rượu. Ông Nhật Bình từ chối và cùng chủ quán nói chuyện ở ngoài.

Ông Công Bình nhờ ông Thanh bế ra ngoài đi vệ sinh. Được đặt gần ông Nhật Bình, ông Công Bình đưa tay ra định đánh nhưng ông Nhật Bình né được. Ông Nhật Bình nhắc nhở ông Công Bình, rồi tiếp tục nói chuyện với chủ quán.

Khi đã được bạn bế đặt lên thành cống gần đó để đi vệ sinh, ông Công Bình vẫn lớn tiếng. Lúc này, ông Nhật Bình quay lại nói chuyện. Bất ngờ ông Công Bình dùng tay và lao người đến phía mặt ông Nhật Bình nhưng ông Nhật Bình đỡ được và lùi về phía sau thì trượt xuống mé sông. Ông Thanh bế ông Công Bình xuống đất thì ông Công Bình ôm cổ ông Nhật Bình khiến cả hai té xuống sông.

Ông Nhật Bình bị gãy nứt xương mũi nhưng đã từ chối giám định và không yêu cầu xử lý ông Công Bình về hành vi cố ý gây thương tích. Quá trình điều tra, ông Công Bình không thừa nhận hành vi nói trên. Dù vậy, cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh vẫn khởi tố, truy tố và kết án ông chống người thi hành công vụ. Sau đó thì án bị hủy như đã nêu.

Thi hành công vụ với ai?

Ngày 26-5, VKSND huyện Bình Chánh ban hành cáo trạng lần hai vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Cáo trạng này cho rằng dù hai nhân chứng đã đi khỏi nơi cư trú, dân quân Trần Duy Nam đã đi nghĩa vụ quân sự nhưng do ông Công Bình thay đổi lời khai, thừa nhận toàn bộ hành vi nên đủ căn cứ truy tố.

Đặc biệt, cáo trạng nêu ngày xảy ra vụ án là ngày 24-1-2014 nhưng Công an huyện Bình Chánh lại khởi tố vụ án từ ngày 2-1-2014, tức trước khi xảy ra vụ việc đến 22 ngày. Cả cáo trạng lần hai và bản án sơ thẩm đều không thể hiện nguyên nhân gây ra thương tích cho ông Nhật Bình.

Theo nhiều chuyên gia, chưa đủ căn cứ truy cứu tội chống người thi hành công vụ đối với ông Công Bình. Bởi lẽ hành vi đánh công an của ông Công Bình chưa được làm rõ nguyên nhân, động cơ có phải để chống người thi hành công vụ hay không. Và vì ông Nhật Bình không đang thi hành công vụ đối với ông Công Bình nên hành vi của ông Công Bình không có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ.

Thương tích của ông Nhật Bình cũng chưa rõ là do ông Công Bình gây ra, hay do bị té xuống sông, hay do sự tác động nào khác.

Chúng tôi sẽ theo dõi và thông tin đến bạn đọc diễn biến vụ chống người thi hành công vụ lạ lùng này.

“Tôi chống được ai mà bị tội!”

Lúc nhờ bạn bế đi vệ sinh, ngang qua anh Nhật Bình tôi có hỏi: “Sao mời mà từ chối?”. Tôi “xả” xong thì anh Nhật Bình vẫn ở đó. Bạn tôi bế tôi lại gần anh Nhật Bình, tôi hỏi tiếp. Rồi hai bên có lời qua tiếng lại, giằng co, níu kéo... Giữa khuya lại không đèn, tối thui. Anh Nhật Bình té xuống ao, được chủ quán kéo lên. Còn tôi được bạn đưa đi uống cà phê.

Tôi không té xuống ao như cáo trạng nêu.

Hành vi của tôi có nhiêu đó. Thân thể tôi như vầy, chống được ai?!

Rồi bên công an, VKS, tòa án đến nhà tôi đưa cho mấy tờ giấy biểu ký. Ai muốn tôi đi thì đến nhà tôi chở tôi chớ tự tôi đâu đi được. Rồi con tôi vô mạng mới biết tôi bị phạt tù sáu tháng treo. Sao mà dễ bị tội vậy!?

Ông VĂN CÔNG BÌNH

Người liên quan, nhân chứng nói gì?

Đã lâu rồi tôi không còn nhớ gì. Chị cứ liên hệ Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM. Theo chị thì gần ba năm rồi, vết thương trên mũi tôi còn không?

Ông NGUYỄN NHẬT BÌNH, người liên quan

Ông Công Bình bị cụt cả hai chân vầy thì chống gì mà chống! Chuyện bé tí xíu mà cũng thành vụ án hình sự!

Ông ĐỖ VĂN TUẤN, chủ quán nhậu Tuấn Hưng, ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...