Tiếp tục truy tố Huỳnh Thị Huyền Như tội lừa đảo

Ngày 26-11, một nguồn tin cho biết VKSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng lần 2 truy tố Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Ngân hàng Vietinbank, Chi nhánh Nhà Bè, TP.HCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa. Ảnh: Tuổi trẻ

Trước đó, ngày 25-11,Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Thường trực Ban Chỉ đạo) tổ chức cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử với một số vụ án, xác minh một số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý I-2018; trong đó có vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.

Theo cáo trạng, từ năm 2007, Như vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ đồng thời phải trả lãi suất cao, Như không còn khả năng thanh toán.

Từ tháng 5 đến tháng 9-2011, Như lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè, VietinBank chi nhánh TP.HCM để gặp và thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của 5 công ty để các công ty này gửi tiền vào VietinBank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định.

Như hứa hẹn trả cho người môi giới đại diện của các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới (lãi suất theo quy định của Vietinbank trả, còn tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng, môi giới do Như trả bằng tiền cá nhân).

Sau khi các đơn vị này chuyển tiền thanh toán vào Vietinbank, Như lập chứng từ ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống để chuyển tiền của các khách hàng đi trả nợ cá nhân.

Với thủ đoạn nêu trên, Như đã chiếm đoạt gần 1.100 tỉ đồng của 5 công ty.

Đối với Võ Anh Tuấn, bị can này biết Như lấy tên giả, lấy danh nghĩa cán bộ của Vietinbank đi huy động vốn nhưng vẫn để mặc cho Như làm giả hợp đồng, nhờ đó lừa đảo chiếm đoạt của công ty Hưng Yên hơn 200 tỉ đồng. Quá trình lừa đảo, Võ Anh Tuấn được hưởng lợi 10 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn 10 bị can khác nguyên là cán bộ của Ngân hàng Thương mại CP Nam Việt (Navibank) có liên quan đến hành vi giúp sức cho Huỳnh Thị Huyền Như, được tách ra trong vụ án mới và cũng được VKSND tối cao tống đạt cáo trạng cùng ngày.

Cáo trạng nhận định từ chủ trương đến thực hiện, hành vi trái pháp luật của các bị can này, Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng chiếm đoạt 200 tỉ đồng của Navibank.

Đầu năm 2014, TAND TP.HCM tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Huyền Như bị cấp sơ thẩm cáo buộc chiếm đoạt 4.000 tỉ đồng của nhiều khách hàng.

Một năm sau, TAND tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm điều tra lại đối với Huyền Như và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt tiền của 5 công ty. Theo HĐXX phúc thẩm, hành vi của Huyền Như và đồng phạm có dấu hiện tội tham ô tài sản.

Quá trình điều tra bổ sung lần đầu, VKSND tối cao truy tố thêm 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đầu năm 2017, TAND TP.HCM dự kiến xử giai đoạn 2 đại án Huyền Như song tiếp tục yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng hành vi của bị can có dấu hiệu tội tham ô tài sản.

Đến nay, VKSND tối cao tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố Huyền Như tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm