Bão giật cấp 10 đang ập vào biển Đông

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết sáng 17-7, sau khi đi vào phía Bắc Biển Đông áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 3 năm 2018 (tên quốc tế Sơn-Tinh).

Đường đi dự kiến của cơn bão số 3 có tên Quốc tế là Sơn Tinh.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển rất nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 35 km. Đến 7 giờ ngày 18-7, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh khoảng 350 km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ vùng tâm bão.

Do ảnh hưởng bão, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa dông mạnh, gió bão mạnh dần lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ từ gần sáng và ngày mai (18-7) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 4-6m. Biển động mạnh.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển Đông Bắc, Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7 giờ ngày 19-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 7. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 trở lên khoảng 50 km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, suy yếu và tan dần.

Liên quan đến tình hình mưa bão, chiều tối 16-7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành để đưa ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành, ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đánh giá, năm nay thời tiết, thiên tai diễn biến rất phức tạp, bất thường không chỉ ở Việt Nam mà còn thế giới. Tình hình đó đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân, Nhà nước. Đồng thời, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Đánh giá công tác dự báo thiên tai, lũ bão trong thời gian qua  được thực hiện tốt hơn, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng việc dự báo khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... chưa đáp ứng được yêu cầu gây khó khăn trong công tác ứng phó với thiên tai.

Do đó, trước mắt, tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới đang vào nước ta để có biện pháp ứng phó kịp thời. Lên phương án bảo vệ các phương tiện hoạt động trên biển, sơ tán người dân khỏi những vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét... Bên cạnh đó tiếp tục khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ vừa qua ở các tỉnh phía bắc.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phải phối hợp thành lập ngay các đoàn kiểm tra tất cả các địa phương, chú ý các địa phương dễ xảy ra thiên tai lớn, dễ có thiệt hại.

Trong đó, tập trung kiểm tra các phương án phòng chống thiên tai của các địa phương, kiểm tra các phương tiện tìm kiếm cứu nạn, công tác an toàn hồ đập, nhất là những đập thủy điện yếu, đã xây dựng lâu năm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm