“Gói 50.000 tỉ” không có ưu đãi lãi suất

“Chương trình tín dụng 50.000 tỉ đồng về bản chất là sản phẩm liên kết bốn nhà (chủ đầu tư - nhà thầu - nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng - ngân hàng), là gói tín dụng thông thường không có ưu đãi về lãi suất. Nguồn vốn này do các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động và cho vay, không có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Việc cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào các điều kiện của từng ngân hàng như dự án, phương án kinh doanh phải khả thi và khách hàng phải có khả năng trả nợ”  - đó là khẳng định của ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), ở hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50.000 tỉ đồng ngành xây dựng do Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng xây dựng Việt Nam (VNCB) tổ chức chiều 17-4 tại Hà Nội.

Lấy lại niềm tin cho bất động sản

Ông Mạnh cho biết hiện NHNN đã chỉ đạo triển khai sản phẩm liên kết bốn nhà. Cụ thể NHNN giao cho BIDV và bảy ngân hàng khác gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, MHB, VNCB, SHB và Lienvietpost Bank để đi đến thống nhất hoàn thiện phương án, hợp đồng khung và triển khai gói tín dụng này với mức cam kết 50.000 tỉ đồng. Mỗi ngân hàng trên có quyền xây dựng một chuỗi các ngân hàng hợp tác riêng của mình. “Mô hình liên kết bốn nhà hiện nay mà ngân hàng đang thực hiện chỉ là mô hình đơn khép kín trong một ngân hàng. Vì thế NHNN đã chỉ đạo NHTM triển khai sản phẩm liên kết bốn nhà, trong đó các ngân hàng phải cùng nhau liên kết với các nhà đầu tư nhằm quản lý chặt chẽ dòng tiền. NHNN đảm bảo nguyên tắc định hướng các ngân hàng đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng. Sau thời gian thí điểm, NHNN sẽ tổng kết để đánh giá sản phẩm tín dụng này” - ông Mạnh lý giải thêm.

 
“Gói xây dựng 50.000 tỉ đồng” sẽ làm ấm dần thị trường bất động sản. Ảnh: HTD

Ông Mạnh phân tích: “Thị trường bất động sản đóng băng thời gian qua là do sự thiếu tin tưởng lẫn nhau: Người dân không dám đóng tiền tiếp vì e ngại mua nhà trên giấy, nhà thầu không dám ứng trước vật tư, nhân công, ngân hàng không dám giải ngân và thận trọng hơn. Từ đó dẫn đến nợ đọng dây dưa tăng cao, nợ xấu bất động sản tuy có giảm nhưng vẫn cao. Thậm chí nhiều chủ đầu tư đã sử dụng tiền góp của dân và tiền vay của ngân hàng không đúng mục đích, thị trường tăng nóng kích thích đầu cơ trên thị trường bất động sản nhằm thu lợi cao”.

Bên cạnh đó, ông Mạnh cho biết NHNN cũng khuyến khích cho vay tiêu dùng mua nhà ở. Đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà ở, ngoài giảm lãi suất xuống 5%/năm thì các cơ quan chức năng còn cho phép người dân thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Trong tháng 3, NHNN đã kiến nghị Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ vay mua nhà từ 10 năm lên 15 năm, cho phép khách hàng vay với giá trị nhà 1 tỉ đồng, không khống chế diện tích, mở rộng đối tượng khách hàng vay.

Nếu quản lý không tốt, gói tín dụng sẽ bé đi

Chia sẻ thêm với NHNN, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho biết thị trường bất động sản đã ấm lên. Các dự án giá dưới 20 triệu/m2 có thanh khoản cao, mức độ hoàn thành 80% hoặc đang hoàn thiện có tính thanh khoản cao. Do vấn đề quan trọng là tiền nên chương trình 50.000 tỉ đồng kết hợp bốn nhà sẽ đem lại nhiều lợi ích. “Nhà nước không mất gì, không hỗ trợ giá, không bù lãi suất mà mong muốn hiện nay là đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng. Đi cùng với nguồn tiền là phương thức, cách thức triển khai chương trình. Phương thức đúng, hiệu quả tốt, dòng tiền lưu thông thì gói này sẽ to, nếu kiểm soát không tốt, chỉ đạo không tốt gói này sẽ bé đi” - ông Nam nêu quan điểm.

Cũng theo ông Nam, chương trình tín dụng 50.000 tỉ đồng không chỉ dừng lại ở một nhà cung cấp vật liệu xây dựng, cụ thể là Tập đoàn Thiên Thanh mà sẽ có nhiều nhà cung cấp khác đứng ra bán hàng.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm