Văng bánh xe và những điều cần tránh

Ô tô văng bánh trên đường là chuyện không lạ với tôi. Câu chuyện thật mà như đùa xảy ra giữa thời bao cấp, khi tôi đi trên chiếc xe Praha (Tiệp Khắc sản xuất) hai cầu, mười bánh, thằng bạn tôi lái. Vượt qua đoạn đường hiểm trở, xuống hết con dốc cuối cùng để hòa vào quốc lộ, bạn tôi dừng xe đột ngột vì thấy chiếc bánh xe của ai đó đang nằm chỏng chơ ven đường. Cả bọn hí hửng nhảy ào xuống xe với tâm trạng được của, nhưng rồi lại cười ra nước mắt khi phát hiện xe mình chỉ còn… chín lốp!

Câu chuyện mới toanh xảy ra ngày 23/9 tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Bánh sau của xe container rời khỏi vị trí làm thiệt mạng hai người đi đường, chuyện không phải kể để gây cười mà là một bài học đắt giá, sâu sắc. Buồn. Nỗi đau biệt ly cho một gia đình chỉ vì sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm của một tài xế.

Trong đời lái xe, có rất nhiều điều phải cẩn trọng. Trong đó, chuyện phải bắt chặt và kiểm tra thường xuyên những chiếc lốp của xe mình là điều tất yếu. Tôi tin rằng, hầu hết trên mỗi xe, dù xe tải hay xe du lịch đều có típ tích kê và tay công (cán típ) để thay bánh, hoặc siết chặt bánh trên đường. Giá mà người tài xế ấy, chịu khó bỏ ra mươi phút, đi vòng quanh xe mình, kiểm tra siết lại các bánh trước khi cho xe lăn bánh thì có lẽ vụ tai nạn ấy không xảy ra. Mà cũng thật khó hiểu, trước khi chiếc lốp rời hẳn vị trí của nó là đã có hiện tượng kêu “lộp cộp” do la răng (vành bánh) của lốp va đập vào tâm bua (cụm trục xe) do lốp quay liên tục trên đường. Sao không đến tai tài xế được nhỉ?

Lốp là bộ “vó” của xe, nó gánh lấy toàn bộ sức nặng của thân xe, quay vòng liên tục trên mặt đường với một tốc độ cao, lại còn tiếp xúc với bao chướng ngại vật như ổ gà, mố cầu… Lẽ đó mà nhà chế tạo đã chú trọng đến kết cấu của nó. Những con bu lon và con tán (tích kê) bắt bánh xe vào trục xe được chế tạo bằng một loại thép đặc biệt, gai mịn. Đối với xe tải hạng trung trở lên, để tránh tích kê tự nó bung ra do lực quán tính quay ngược của lốp, người ta chế tạo chiều siết của con tán khác nhau cho mỗi trục nằm bên phải hoặc trái. Trên đầu mỗi bu lon này đều có đánh dấu L (left) là gai trái, siết chặt theo ngược chiều kim đồng hồ. R (Right) là gai phải, siết chặt thuận chiều kim đồng hồ. Do vậy khi đã được siết chặt một lực tương đối rồi thì trong quá trình bánh xe quay, bu lon tự động siết chặt thêm.

Đối với trục xe có hai bánh kép, ngoài việc chế tạo số bù lon nhiều hơn (thường là 10 chiếc) thì bù lon, con tán loại này được thiết kế lồng vào nhau. Bắt buộc người thợ phải bắt từng chiếc bánh một. Siết chặt chiếc đầu tiên kỹ càng rồi mới được bắt chiếc thứ hai… Như vậy chúng ta dễ dàng nhận ra: Bánh văng ra khỏi trục xe là do lỗi bất cẩn của tài xế chứ không phải do nhà sản xuất.

Xe đang chạy với tốc độ cao, nếu có chiếc bánh rời khỏi trục xe, lực quay quán tính khiến chiếc bánh ấy lao tới trước với một tốc độ lớn hơn nhiều so với thân xe. Tùy theo kích cỡ của lốp xe và vành bánh, có những chiếc nặng đến cả tạ thì việc gây tai nạn cho người đi đường là khó tránh khỏi. Trầm trọng hơn là xe đang chạy sẽ bị lật, mất lái… do mất cân bằng.

Để tránh được loại tai nạn không đáng có này, trước mỗi hành trình tài xế phải kiểm tra, siết chặt bù lon, tích kê bánh xe mình lại. Phát hiện có một bù lon hay tích kê nào bị chờn gen thì nên thay ngay. Khi thay hay vá bánh xe, đừng quá tin vào thiết bị siết chặt bánh xe bằng hơi của những tiệm sửa chữa trên đường mà đề nghị họ dùng típ và tay công kiểm tra bằng tay lại.

Chúc các bạn lái xe an toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm