Một nhầm lẫn cần nói

Một tiêu đề rất gợi cảm trong không khí chuẩn bị kỷ niệm ngày hội đại lễ 1000 năm Thăng Long tới gần. Tôi vội hối hả đọc. Đọc chăm chú. Đọc kỹ lưỡng. Nổi lên hai sự việc quan trọng rất đáng ngờ vực về tư liệu:
1.        Sự lên ngôi của Lý Thái tổ.
2.        Sự dời đô của Lý Thái tổ.
 
Về tư liệu thứ 1: Bài viết trên tạp chí Hồn Việt ghi: “Ngày Lê Ngọa Triều băng hà. Quan Chi Hậu Đào Cam Mộc bàn với Lưu Đàm, Lưu Điều lập Lý Công Uẩn lên làm vua, các đại thần cũng đồng lòng nhưng Lý Công Uẩn cố chối từ. Lưu Đàm tiến đến thưa rằng: “Nay Ngọa Triều thất đức, giết anh ngược đãi mọi người, nay đã chết. Minh công uy đức hơn người, nơi nơi đều rõ, chúng tôi nguyện theo lời thỉnh cầu của mọi người cùng nhau hiệp lực làm cho điềm lành chấn động, ứng với trời và người, xin minh công chớ do sự”. 

Lưu Đàm nói chưa dứt lời thì Lưu Điều vung kiếm chém đứt đôi chiếc án (trác án) nghiêm giọng nói rằng: “Triều đình không thể một ngày vô chủ, nay Ngọa Triều vô đạo, trời oán, người giận. Lý Công uy đức hơn người, vốn được trọng vọng. Thiên hạ đồng lòng theo về cùng lập lên ngôi đế, kẻ nào dám càn rỡ, sinh chuyện dị nghị sẽ giống như chiếc án này!”. Cả triều đình nghe lời nói ấy, không ai không sợ hãi bèn phò Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Triều đình bái lạy, tung hô vạn tuế.” (trang 9, Hồn Việt số 31).

Một sử liệu quan trọng như thế không thấy ghi trong các bộ cổ thư về lịch sử Việt Nam như Đại Việt sử lược (Khuyết danh), Đại Việt sử ký (Lê Văn Hưu), Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn). Đến bộ gần nhất là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim cũng không thấy ghi.

Tạp chí Hồn Việt cho đăng bài viết trên, có ghi chú xuất xứ từ ngọc phả mới sưu tầm được ở Thái Bình do hai nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Đoàn và Phạm Minh Đức thực hiện. Ngọc phả, gia phả, tộc phả, thần phả hay chuyện kể dân gian, đều chỉ có giá trị tham khảo. Muốn thuyết phục độc giả cần giới thiệu rõ ngọc phả nó ra làm sao? Hoàn cảnh nào tìm ra nó? Nó được viết trên giấy gì? Bằng thứ chữ gì? (chữ Hán, chữ Nôm). Độ tin cậy của nó đến đâu? Con cháu chắt chút nào lưu giữ nó hiện nay? Điều này bài viết chưa làm được.

Nếu có chuyện đó thật trong lịch sử, thì công của Lưu Đàm, Lưu Điều đâu phải chuyện nhỏ. Cử chỉ chém đứt đôi chiếc án, sẽ được truyền tụng trong dân gian, và sẽ có không ít các sử gia ghi chép. Nhưng, các bộ sử chỉ ghi chép về Đào Cam Mộc. Nói theo từ ngữ hiện đại, Đào Cam Mộc là người tổ chức cuộc lên ngôi của Lý Công Uẩn, lập nên triều nhà Lý kéo dài 215 năm trong lịch sử nước nhà.

Về tư liệu thứ 2: Sự dời đô của Lý Thái tổ. Bài trên tạp chí Hồn Việt ghi: “ Lưu Đàm dâng lời nói rằng: “Long Châu là nơi giàu mạnh, chính là cái gốc bền vững, đóng đô ở đó sẽ cường thịnh lâu dài, thiên hạ vô địch, mong bệ hạ dời đô ra nơi đó.” Lý Thái tổ nghe lời, chọn ngày cùng Lưu Đàm, Lưu Điều và văn võ bá quan điều động xa giá cử hành việc dời đô.” (trang 17, Hồn Việt số 31).

Cũng không thấy bộ cổ sử nào chép sự việc như trên.

Theo suy diễn lôgíc, người đứng đàng sau Lý Công Uẩn trong việc lên ngôi và dời đô, chính là thiền sư Vạn Hạnh. Người đã nuôi nấng, dạy dỗ, đào tạo nên nhân tài Lý Công Uẩn. Thiền sư giỏi về lý số, phong thủy, tâm linh thời bấy giờ. Việc nhận ra thế đất rồng cuộn hổ ngồi, làm kinh sư cho muôn đời, không khó khăn gì đối với thiền sư. Nói theo từ ngữ hiện đại, thiền sư Vạn Hạnh chính là người đạo diễn sau cánh gà cuộc chuyển biến lịch sử đó.

Những nghi ngờ kể trên đã đưa tôi đến gặp nhà văn Hoàng Quốc Hải. Ông là tác giả bộ tiểu thuyết đồ sộ 4 cuốn về đời Trần, hiện đang viết bộ tiểu thuyết đời Lý hàng mấy nghìn trang nữa.

Nghe tôi kể, ông bảo, thời Lý Thái tổ (1010 – 1028) chưa có tên Lưu Khánh Đàm và Lưu Khánh Điều. Phải đến thời Lý Nhân tông (1072 – 1127) mới có người tên Lưu Khánh Đàm làm đến chức thái úy. Đại Việt sử ký toàn thư chép:

“Tháng 12 năm Đinh Mùi (1127). Vua (tức Lý Nhân tông) không khỏe.Gọi thái úy Lưu Khánh Đàm vào nhận chiếu rằng: “Trẫm nghe phàm giống sinh vật không giống nào là không chết. Chết là số lớn của trời đất, lẽ của vật đều thế. Thế mà người đời không ai không thích sống mà ghét chết. Chôn cất cho hậu để mất sinh nghiệp, trọng để tang đến tổn hại tính mệnh, trẫm không cho là phải. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi, lại để cho nhân dân mình mặc sô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, tuyệt cúng tế, làm cho lỗi ta nặng thêm, thì thiên hạ bảo ta là người thế náo! Trẫm xót phận tuổi còn nhỏ đã nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi, đến nay đã 56 năm rồi. Nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên tin giúp, bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, đến chết được dự đứng sau các tiên quân là may lắm rồi, sao còn nên thương khóc?

Trẫm từ khi đi xem gặt lúa đến giờ, bỗng nhiên bị ốm, bệnh đã kéo dài, sợ không kịp nói đến việc nối ngôi, mà thái tử Dương Hoán nay đã đủ 12 tuổi, có nhiều đại độ, thông minh thành thực, trung nghiêm kính cẩn, có thể theo điển cũ của trẫm mà lên ngôi hoàng đế, để cho kẻ thơ ấu chịu mệnh trời mà nối mình truyền nghiệp của ta, làm rộng lớn thêm công nghiệp trước. Nhưng cũng nhờ ở quan dân các ngươi một lòng giúp đỡ mới được. Như Bá Ngọc, ngươi thực là tư cách người tôn trưởng, nên sửa sang giáo mác để phòng việc không ngờ, chớ làm sai mệnh ta, dù nhắm mắt cũng không di hận. Việc tang thì sau 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán Văn đế, cốt phải kiệm ước; không xây lăng mộ riêng, nên chôn ngay bên cạnh tiên đế. Than ôi! Mặt trời đã xế, tấc bóng khó dừng, một đời từ giã, vĩnh quyết nghìn năm. Các ngưoi nên thực lòng kính nghe lời trẫm, bảo rõ cho các vương công, tuyên bố ra ngoài”. Ngày Đinh Mão, vua băng ở điện Vĩnh Quang” (Đại Việt sử ký toàn thư. Tập I, trang 356 và 357).

Từ thời Lý Thái tổ đến thời Lý Nhân tông cách nhau 117 năm. Không có lý nhầm lẫn tên tuổi trong lịch sử đến như thế!

Bài viết trên tạp chí Hồn Việt còn chép sự việc: “Tương truyền trong những năm tu ở chùa làng, Khánh Đàm đã cùng các thiền sư Giác Hải, Dương Không Lộ, Đỗ Đô tổ chức cho dân “khai thông sông Luộc”, “móc ruột sông Sinh”, “đào phình sông Hóa” ở Thái Bình. Đến nay dân gian vẫn lưu truyền chuyện ba sư, một sãi.” (trang 17. Hồn Việt số 31)

Các thiền sư Giác Hải, Dương Không Lộ, Đỗ Đô chưa có ở thời Lý Thái tổ. Các vị thiền sư trên sống ở thời Lý Thánh tông và Lý Nhân tông. Xin đọc Thiền uyển tập anh và Thơ văn Lý Trần tập I. Như vậy sự lầm lẫn về Lưu Khánh Đàm chép trong ngọc phả Thái Bình xướng xuất việc dời đô với Lý Thái tổ càng đáng ngờ vực.
Bài viết trên tạp chí Hồn Việt còn ghi: “Lưu Khánh Đàm được vua Lý Thái tổ giao cùng các tướng cầm quân đi đánh giặc, bắt sống vua nước Chiêm là Bố Hợp đem về” (trang 17. Hồn Việt số 31).

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa đông, tháng 12 năm Canh Thân (1020) vua sai Khai Thiên vương và Đào Thạc Phụ đem quân đánh người Chiêm Thành ở trại Bố Chính, thẳng đến núi Long Tị, chém được tướng Chiêm Thành là Bố Linh tại trận; người Chiêm Thành chết đến quá nửa.” (ĐVSKTT, trang 269. Sđd).

Không thấy chép việc vua Lý Thái tổ giao Lưu Khánh Đàm cầm quân đánh Chiêm Thành. Lại lầm lẫn chăng?

Bài viết trên tạp chí Hồn Việt: “ Thời Lý ba lần giặc Tống vào đánh chiếm nước ta, đều bị quân dân ta đánh bại trong đó có công của Lưu Đàm” (trang 17. Hồn Việt số 31).

Thời Lý Thái tổ trị vì không có chuyện quân Tống xâm chiếm nước ta. Có đánh quân Tống là ở các đời sau. Thời Lý Nhân tông, nổi tiếng có danh tướng Lý Thường Kiệt, đánh Tống bình Chiêm, có lần kéo quân sang cả châu Khâm, châu Liêm, châu Ung (vùng Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay.) đánh phá quân Tống.
 
Trong nghiên cứu, phát hiện những tư liệu mới, đáng trân trọng quá đi chứ. Tôi không trách hai bạn Nguyễn Tiến Đoàn và Phạm Minh Đức đã bỏ công sức sưu tầm tư liệu mới, gửi đăng báo. Việc làm của các bạn rất đáng quý, nhưng tư liệu không đáng tin và nhất là không thể dùng làm sử liệu được. Cái cần rút kinh nghiệm là tạp chí Hồn Việt do ông GS-TS Mai Quốc Liên phụ trách. Bạn đọc dễ tính thường tin tưởng vào tạp chí và học vị của người phụ trách. Họ dễ bị lầm, rồi cứ truyền cái lầm đi mãi. Cho nên công bố tư liệu gì mới hoặc khác thường của lịch sử đã có, cần hết sức thận trọng và tỉnh táo. Người viết thích những vụ nổ lạ để gây tiếng vang, nhưng người dùng phải suy xét kỹ trước khi công bố cho toàn thiên hạ. Không để râu ông nọ cắm cằm bà kia. Gây hỗn loạn học thuật. Làm lầm lẫn cho lớp hậu sinh tìm hiểu ông cha.

Nghe đâu đã có người làm phim dựa vào tư liệu mới phát hiện viết kịch bản điện ảnh. Vì vậy, phải bỏ công sức viết bài viết này, để chúng ta cùng rút kinh nghiệm.

Theo Hoàng Tiến (hoinhavanvietnam.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm