Đừng bắt giới trẻ cảm cải lương giống cha ông

Sáng 7-12, tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm “Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương” (giai đoạn 1955-1975) do ĐH KHXH&NV cùng Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương hình thành và phát triển. Buổi tọa đàm đã quy tụ đông đảo giới nghiên cứu cải lương, giới làm sân khấu và các bạn trẻ.

Vào phần thảo luận, bạn Duy Khang, sinh viên khoa Sáng tác cổ điển Nhạc viện TP.HCM, phát pháo: “Tôi làm việc với các trường quốc tế, thấy học sinh của trường được học về nhạc giao hưởng từ nhỏ. Ngay cả người phương Tây cũng cho đó là một thể loại nhạc khó hiểu, khó nghe nhưng học trò trường quốc tế có thể nghe và hiểu vì được học từ nhỏ. Để tốt nghiệp ra trường, học trò trường quốc tế phải tổ chức một buổi biểu diễn do chính họ tự dựng, tự diễn, thậm chí tự viết bằng những gì mình đã cảm, đã hiểu. Trong khi đó Việt Nam quá rập khuôn, không cho học trò tự thể hiện. Tôi có người bạn nước ngoài, họ hỏi có cái gì hay của nước mình gửi cho họ nghe. Tôi gửi Tiếng trống Mê Linh họ rất thích, hỏi còn gì nữa không, tôi gửi tiếp một vở khác của cô Thanh Nga. Nhưng gửi lần thứ hai này thì họ nói không có cái gì để xem. Gửi lần thứ ba thì họ nói không thể nghe được nữa vì âm nhạc trong các vở đều giống nhau. Trong khi đó, nhạc kịch nước ngoài mỗi vở âm nhạc mỗi khác. Còn giới trẻ Việt Nam làm cái gì khác là bị bảo không giống cải lương”.

Ca sĩ Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, tặng hoa cho đại diện Hội Sân khấu TP.HCM và Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Ảnh: HB

Tác giả trẻ Phạm Tân bức xúc: “Các thế hệ cải lương đi trước có tiếp nhận thế hệ trẻ không? Hãy lắng nghe lớp trẻ đi rồi bác bỏ gì thì bác bỏ. Người lớn cứ nói là không có kịch bản hay nhưng tôi biết là đang có rất nhiều tác giả trẻ như tôi có nhiều kịch bản hay nhưng đều không được sử dụng. Tôi không thể là người khác, không thể viết giống những cô chú tác giả đang có ở đây”.

Bạn sinh viên tên Tiến, khoa Văn học, nói: “Giới trẻ mong muốn có được sự đồng cảm từ những người đi trước. Tại sao Tóc Tiên “remix” Dạ cổ hoài lang lại gặp phải những lời chỉ trích làm hư cải lương. Kịch bản cải lương không đi vào những vấn đề hiện thực cuộc sống hôm nay mà giới trẻ quan tâm như tham nhũng, “single mom”, thanh niên từ quê lên TP lập nghiệp… Tại sao nghệ sĩ cải lương không làm những sản phẩm cải lương bỏ lên YouTube đo lường phản ứng của khán giả trẻ ra sao? Tại sao cải lương không tận dụng công nghệ thời 4.0 để sân khấu hấp dẫn hơn như làm người chết diễn cùng người sống?”.

Phóng viên trẻ Ngọc Tuyết có nhiều năm làm cải lương, người làm đề tài nghiên cứu về cải lương ở bậc thạc sĩ chia sẻ quan điểm: “Không chỉ có 20 bản tổ, âm nhạc cải lương mênh mông với rất nhiều bài bản khác, những điệu lý, điệu hò vè. Chính những người làm cải lương đã và đang làm rơi rớt đi âm nhạc cải lương chứ không phải âm nhạc cải lương nhàm chán, đơn điệu. Trong vở Trung thần, soạn giả Hoàng Song Việt đã cố công tìm kiếm một làn điệu Bình Định đưa vào cho một nhân vật xuất thân Bình Định khiến cả khán phòng im phăng phắc”.

Nắm vững căn bản rồi mới sáng tạo

Nhạc sĩ Đức Trí đã chia sẻ về ý kiến làm mới âm nhạc cải lương với các bạn trẻ ở kinh nghiệm làm nhạc cho hai vở nhạc kịch Ngàn năm tình sử và Lục Vân Tiên ở sân khấu Kịch IDECAF của mình như sau: “Trước khi sáng tạo, làm mới thì phải hiểu rõ, nắm vững căn bản âm nhạc cải lương, âm nhạc truyền thống đi đã. Sáng tác mới là mạo hiểm nhưng nếu mình thành công, đó sẽ là lối ra”.

Sở hết lòng ủng hộ cải lương

Nhiều năm nay Hội đồng Nghệ thuật của TP.HCM chưa từng bác bỏ bất cứ một vở diễn hay chương trình sân khấu nào. Sở có những giải pháp và hoạt động thiết thực cho cải lương trong dịp kỷ niệm này như chỉ đạo Nhà hát Trần Hữu Trang có kế hoạch sáng đèn thường xuyên, đề xuất tìm quỹ đất xây dựng trung tâm nghệ thuật truyền thống hiện đại, trong đó có cải lương, tổ chức một đêm tôn vinh nghệ thuật cải lương nhân dịp 100 năm.

Bà NGUYỄN THỊ THANH THÚY, Phó Giám đốc Sở Văn hóa vàThể thao TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm