BV K Trung ương khánh thành nhà lưu trú cho bệnh nhân

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết khu nhà lưu trú có quy mô hơn 240 giường (kiểu giường tầng). Công trình do bệnh viện K kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa với kinh phí khoảng 3,3 tỷ đồng. Đây là một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng bệnh nhân ngoại trú và nhà bệnh nhân phải nằm, ngồi nhếch nhác trên các hành lang khoa phòng trong khuôn viện bệnh viện K cơ sở 3.

Bà Khổng Thị U., 70 tuổi, quê ở Thái Bình, cho biết bà bị u đại tràng, vào bệnh viện  K khám và điều trị từ cuối tháng 1-2017. Thời gian đầu bà ở nội trú, nhưng gần 2 tuần nay, trong lúc chờ các kết quả xét nghiệm và đợi lịch mổ, bác sỹ cho bà ra ngoại trú.

“Tôi nông dân nghèo, chồng là thương binh nặng ở quê, một mình ra đây điều trị, tiền không có mà sức khỏe cũng yếu nên không thể về quê được. Thuê nhà trọ ở ngoài 100.000 đồng/đêm rất tốn kém, sau này mổ lấy đâu tiền thuốc thang. Do vậy trong những ngày chờ mổ, tôi cứ phải nằm vạ vật ở cầu thang bệnh viện. Ngày thường không sao, mấy hôm vừa rồi giá rét, nằm co ro gầm cầu thang, hành lang bệnh viện thê thảm lắm. Giờ có nhà lưu trú, bệnh nhân chúng tôi mừng lắm vì có chỗ nằm đàng hoàng, không phải vạ vật nữa”, bà U. tâm sự.

Đồng cảm với bà U., chị Nguyễn Thị T., 45 tuổi, quê Quảng Ninh, cho biết giờ có nhà lưu trú, những bệnh nhân nghèo như chị đỡ phải cảnh ngủ hành lang hay nằm nhờ dưới sàn lạnh của các phòng nội trú trong bệnh viện.

Chị T. bị ung thư vú, đang trong liệu trình xạ trị 23 mũi, thời gian điều trị kéo dài một tháng. Mỗi tuần chị phải xạ trị năm mũi, tương đương năm ngày phải vào viện. Vì kinh tế khó khăn, chị không có tiền ra ngoài thuê trọ, nên sau mỗi lần xạ, ban ngày thì chị lang thang, vạ vật ngoài hành lang. Tối đến chị vào phòng nội trú trong bệnh viện xin ngủ nhờ dưới sàn nhà cho đỡ lạnh.

Trước đó, trong chuyến kháo sát thực tiễn tại bệnh viện K cơ sở 3 ngày 8-12-2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chứng kiến cảnh bệnh nhân phải nằm ghép tới 3-4 người/giường tại một số giường bệnh của Khoa Nội 2. Người nhà bệnh nhân cũng như bệnh nhân đã trực tiếp phản ánh với Bộ trưởng về việc phải chờ đợi lâu khi đến khám, làm xét nghiệm tại bệnh viện...

Niềm vui của những bệnh nhân nghèo khi có nhà lưu trú

Tại thời điểm đó, kết quả khảo sát, đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách y tế về Bệnh viện K nói chung (gồm: thủ tục khám, chữa bệnh, thái độ phục vụ…) đạt 66/100 điểm, riêng cơ sở 3 của bệnh viện chỉ đạt 51 điểm. Mức điểm này bị xếp ở mức đội sổ trong số các bệnh viện được khảo sát, đánh giá độc lập. Bộ trưởng đã yêu cầu ban lãnh đạo bệnh viện K phải nhanh chóng thay đổi, khắc phục tồn tại.

PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, ngay sau đó, bệnh viện K đã đưa ra và thực hiện ngay 11 giải pháp trước mắt và bốn  giải pháp lâu dài nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân đến khám và điều trị, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Để tránh quá tải, BV đã hẹn bệnh nhân đến điều trị theo giờ trong cả ngày, chia bệnh nhân điều trị theo nhiều ca sáng – chiều để tăng lượt điều trị cho bệnh nhân trong ngày, giảm số bệnh nhân tập trung cùng thời điểm gây quá tải tại các Khoa Nội. Đối với Khoa khám bệnh tổ chức khám bệnh sớm từ 7 giờ 30, tăng phòng khám bệnh và phòng lấy máu xét nghiệm để giảm ùn tắc vào giờ cao điểm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm