2022 - năm đầy khó khăn với ông Biden và đảng Dân chủ

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa kết thúc một năm 2021 với nhiều biến động và có phần bất lợi cho ông. Đến hết tháng 12-2021, tỉ lệ ủng hộ ông ở Mỹ chỉ còn khoảng 43% so với mốc 52% giữa tháng 7-2021, theo trang thống kê FiveThirtyEight. 2022 là năm áp lực với ông Biden vì đây là năm bản lề với kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng - một cuộc trưng cầu dân ý với ông và đảng Dân chủ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng
ngày 21-12-2021. Ảnh: AFP

Cần sự đột phá để xử lý đại dịch

Sự thành công của chiến lược chống dịch COVID-19 sẽ là yếu tố chủ chốt quyết định xem chính quyền ông Biden sẽ có một năm 2022 thuận buồm xuôi gió hay không. Đến nay, chỉ mới khoảng 62% dân số Mỹ (khoảng 204 triệu người) được tiêm hai mũi vaccine, theo tổ chức Our World in Data. Tỉ lệ này vẫn dưới ngưỡng an toàn 70% dân số và 80% đối tượng dễ bị tổn thương phải được tiêm ngừa đầy đủ mà các cơ quan y tế nước này đặt ra, trong khi chương trình tiêm bổ sung chỉ mới được triển khai vài tháng nên chưa đạt được tiến độ đáng kể nào.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron làm đảo ngược tuyên bố của ông Biden hồi tháng 7-2021 rằng dịch bệnh ở Mỹ đã được kiểm soát. Omicron hiện đã xuất hiện ở 43/50 bang của Mỹ, chủ yếu những nơi tỉ lệ tiêm chủng thấp, các bệnh viện lại quá tải. Quá trình nghiên cứu để hiểu rõ hơn về đặc tính của biến thể này vẫn chưa hoàn tất, khiến ông Biden chưa có nhiều thông tin để hành động và có các điều chỉnh kịp thời.

Theo tạp chí Time, bối cảnh trên buộc ông Biden phải nhanh chóng có biện pháp đẩy mạnh tỉ lệ tiêm chủng và mở rộng đối tượng cần được tiêm đến trẻ em 3-4 tuổi để bảo đảm sức khỏe và việc học của các em không bị gián đoạn.

Có vẻ chính quyền ông Biden chưa thỏa mãn được kỳ vọng của người dân về năng lực chống dịch. Khảo sát do hãng tin ABC News phối hợp với Công ty phân tích thị trường Ipsos (Mỹ) công bố gần đây cho thấy có đến 45% người được phỏng vấn không đồng ý với hiệu quả chống dịch của ông Biden - tăng gần 20% so với khảo sát hồi tháng 3-2021.

Cần gấp rút cứu kinh tế

Nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao nhất trong gần 40 năm qua với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhảy lên tới gần 6,8%. Gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu tăng sau đại dịch, giá xăng tăng do khủng hoảng năng lượng toàn cầu và lãi suất bị Cục Dự trữ liên bang giữ ở mức thấp suốt năm qua cũng cộng hưởng, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát.

Giới chuyên gia dự đoán tình hình lạm phát này không phải là tạm thời mà sẽ kéo dài cho tới năm tiếp theo. Điều này sẽ gây sức ép lớn đối với ông Biden và đảng Dân chủ trong việc đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ông Biden đang phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt từ đảng Cộng hòa rằng chính sách sai lầm của chính phủ về chi tiêu ồ ạt đã kích thích nền kinh tế quá mức và làm gia tăng lạm phát. Phía người dân cũng không chấp nhận nền kinh tế bị suy yếu, với khảo sát của ABC News/Ipsos cho thấy có gần 69% người được hỏi không đồng ý cách ông Biden và cộng sự giải quyết nạn lạm phát, 57% không đồng ý chính sách phục hồi kinh tế của ông.

Một hệ lụy khác nếu tình trạng lạm phát trong năm 2022 không được cải thiện là ông Biden sẽ rất khó thuyết phục được Quốc hội thông qua ngân sách gần 2.000 tỉ USD cho kế hoạch tu bổ cơ sở hạ tầng và chống biến đổi khí hậu của Nhà Trắng với tên gọi là dự luật “Build Back Better” (Xây dựng lại tốt hơn). Đảng Cộng hòa lo ngại việc thông qua một dự luật quy mô như vậy ở giai đoạn kinh tế chưa thực sự ổn định như hiện nay sẽ gây lãng phí, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát. Nội bộ đảng Dân chủ cũng không thực sự thống nhất. Thượng nghị sĩ bang West Virginia - ông Joe Manchin công khai phản đối và bỏ phiếu không tán thành trong lần họp bỏ phiếu hồi tháng 12-2021, khiến Nhà Trắng buộc phải rút lại dự luật để chỉnh sửa.

Nguy cơ mất kiểm soát Hạ viện

Tháng 11 năm nay, nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để bầu toàn bộ 435 thành viên Hạ viện và 34 trong số 100 thành viên Thượng viện. Đảng Dân chủ hiện đang nắm quyền kiểm soát cả lưỡng viện nhưng với thế đa số mong manh. Ở Hạ viện, phe Dân chủ giữ 221 ghế và phe Cộng hòa giữ 213 ghế. Ở Thượng viện, cán cân là 50-50 với lá phiếu quyết định thế trận thuộc về Phó Tổng thống Kamala Harris - người của đảng Dân chủ.

Cuộc bầu cử sẽ là sự kiện mang tính định hướng cho các chương trình nghị sự của Mỹ trong những năm tới. Nếu giành được quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện, đảng Cộng hòa sẽ có quyền ngăn chặn các kế hoạch kinh tế của ông Biden. Những dự luật mà ông Biden thúc đẩy gần như sẽ bị chặn ở Quốc hội, làm tê liệt chính quyền trong nửa chặng đường còn lại của nhiệm kỳ. Đảng Cộng hòa cũng có quyền củng cố thế đa số thành viên có quan điểm bảo thủ tại Tối cao Pháp viện.

Bầu cử giữa kỳ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với đảng cầm quyền tại Mỹ. Kể từ năm 1942, các đảng cầm quyền đã mất ghế ở Hạ viện trong 18/20 cuộc bầu cử giữa kỳ, với 15 cuộc trong số đó đảng cầm quyền có số ghế bị mất lên đến hai con số, theo tờ South China Morning Post. Kết quả tương tự đối với Thượng viện, nơi các đảng cầm quyền để mất ghế tại 14/20 cuộc bầu cử giữa kỳ. Chỉ hai lần kể từ năm 1938, đảng của tổng thống đương nhiệm tăng được số ghế ở Hạ viện, và trong cả hai lần này, tỉ lệ ủng hộ dành cho tổng thống đều trên 60% - trong khi ông Biden hiện chỉ đạt trên 40% như đã nói ở trên.

Nếu ông Biden phải đối mặt với kết quả bầu cử giữa kỳ năm 2022 ảm đạm thì sẽ là cơ hội để cựu tổng thống Donald Trump trở lại chính trường Mỹ với một vị thế rõ ràng hơn, tạp chí The Economist nhận định.

 

Theo kết quả bảng xếp hạng quyền lực các nước ở châu Á năm 2021, Mỹ hiện đang là nước dẫn đầu, theo sau Trung Quốc (TQ) và Nhật. Đáng chú ý, Mỹ là nước lớn duy nhất tăng hạng về quyền lực tổng thể năm nay, trong khi TQ lần đầu tiên tụt hạng kể từ khi bảng xếp hạng này ra đời vào năm 2018.

Chính sách đối ngoại của ông Biden năm qua không được đánh giá cao

Nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại và một số nghị sĩ Mỹ cho rằng chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden trong năm qua đã làm giảm vị thế toàn cầu của Mỹ bằng “những sai lầm lặp đi lặp lại”, theo đài Fox News.

Cụ thể, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8-2021 đã gây ra phản ứng dữ dội trên toàn cầu sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Kabul. Cuộc di tản hỗn loạn theo sau cũng đã khiến một số lãnh đạo quân đội đã nghỉ hưu kêu gọi các quan chức quân sự và ngoại giao hàng đầu trong chính quyền ông Biden từ chức, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.

Quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu trong năm qua cũng xấu đi. Pháp - đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, lần đầu tiên triệu hồi đại sứ về nước xung quanh thỏa thuận tàu ngầm gây tranh cãi giữa Mỹ và Úc trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS), điều mà Pháp mô tả là “nhát dao đâm sau lưng”.

Căng thẳng giữa Mỹ với Nga và TQ cũng leo thang. Nga hiện đang tập trung lượng lớn quân ở biên giới với Ukraine, còn TQ liên tục đấu khẩu với Mỹ về vấn đề Đài Loan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm