Ai không nên dùng thuốc pantoprazol?

Cách dùng đúng pantoprazol trị bệnh đường tiêu hóa

Bạn có thể dùng pantoprazol để phòng và chữa một số bệnh đường tiêu hóa như: bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản; các trường hợp viêm loét đường tiêu hóa; tình trạng tăng tiết bệnh lý (hội chứng Zollinger-Ellison); phòng ngừa loét dạ dày do dùng thuốc kháng viêm không steroid.

 Cần giảm liều hoặc dùng liều pantoprazol cách ngày ở bệnh nhân suy thận.

Thuốc pantoprazol được sử dụng bằng đường uống. Bạn nên uống ngày một lần vào buổi sáng, ví dụ khoảng 6-7 giờ. Khi uống cần nuốt nguyên viên, không được nghiền hoặc nhai. 

Về liều lượng cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ theo từng trường hợp bệnh cụ thể. Đối với bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD), thời gian dùng thuốc có thể kéo dài đến 8 tuần khi cần thiết. Loét đường tiêu hóa, thời gian điều trị từ 2-4 tuần đối với loét tá tràng hoặc 4-8 tuần đối với loét dạ dày lành tính.

Để diệt tận gốc vi khuẩn Helicobacter pylori, có thể kết hợp pantoprazol với hai kháng sinh trong một phác đồ trị liệu phối hợp bộ ba trong một tuần. Phác đồ hiệu quả thường phối hợp pantoprazole, clarithromycin, amoxicillin hoặc metronidazole.

Những lưu ý khi dùng thuốc

Lưu ý rằng việc đáp ứng về triệu chứng khi điều trị với pantoprazol không ngăn sự tiến triển của ung thư dạ dày mà còn che lấp dấu hiệu, triệu chứng của bệnh, gây sai lệch trong chẩn đoán và điều trị. Vì vậy cần hạn chế hoặc phải theo dõi sát khi dùng pantoprazol trên bệnh nhân ung thư hoặc nghi ngờ ung thư dạ dày.

Ở bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc pantoprazol, có thể tăng nhẹ và thoáng qua ALT (SGPT) huyết thanh. Thuốc này làm giảm acid dịch vị hoặc chứng thiếu toan dịch vị do điều trị hàng ngày với các thuốc ức chế tiết acid trong thời gian dài (hơn 3 năm) có thể làm giảm hấp thu cyanocobalamin. 

Ở trẻ em: tính an toàn và hiệu quả của thuốc ở trẻ em dưới 18 tuổi chưa được biết rõ, vì thế phải cân nhắc kỹ khi dùng thuốc. Đối với bệnh nhân suy gan cần giảm liều pantoprazol ở bệnh nhân suy gan nặng hoặc dùng liều cách ngày. Bệnh nhân suy thận cũng cần giảm liều hoặc dùng liều cách ngày.

Cho đến nay, kinh nghiệm ở các bệnh nhân dùng liều quá cao pantoprazol còn hạn chế. Pantoprazol không được loại trừ qua thẩm tách máu. Vì vậy trong trường hợp quá liều, cần phải điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.

Ai không nên dùng thuốc này?

Một số người tuyệt đối không được dùng pantorazol như: quá mẫn cảm với pantorazol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc hay dẫn xuất enzimidazol khác như esomeprazol, lansoprazol, omeprazol, rabeprazol.

Đối với phụ nữ có thai, vì chưa có các nghiên cứu đầy đủ và được kiểm soát tốt ở phụ nữ có thai, nên cần thận trọng khi dùng thuốc này. Ở những bà mẹ đang cho con bú: do thuốc có thể được tiết vào sữa mẹ cho nên cần ngưng cho con bú nếu người mẹ dùng thuốc pantoprazol. Hoặc mẹ phải ngưng dùng thuốc nếu cần cho con bú vì có khả năng xảy ra rủi ro cho trẻ đang bú sữa mẹ.

Những thuốc ảnh hưởng đến pantoprazol

Các loại thuốc có độ hấp thu phụ thuộc pH của dạ dày: về mặt lý thuyết, khả năng tương tác khi dùng đồng thời pantoprazol với các thuốc có độ hấp thu phụ thuộc pH của dạ dày như ampicillin ester, muối sắt, ketoconazol; có thể làm tăng hoặc giảm độ hấp thu của thuốc khi tăng pH của dạ dày.

Các thuốc tác động lên hệ thống men gan: thử nghiệm lâm sàng cho thấy không có tương tác có ý nghĩa lâm sàng quan trọng giữa pantoprazol và các thuốc khác chuyển hóa qua cùng isoenzym.

Thuốc warfarin: có khả năng tăng thời gian prothrombin khi dùng đồng thời warfarin với các thuốc ức chế bơm proton, kể cả pantoprazol. Vì vậy có nguy cơ về chảy máu bất thường và tử vong. Do đó rất thận trọng khi dùng pantoprazol đồng thời với warfarin.

Sucralfat: có thể làm chậm hấp thu và giảm sinh khả dụng của  pantoprazol  và các thuốc ức chế bơm proton khác như lansoprazol, omeprazol. Vì vậy nên uống thuốc ức chế bơm proton ít nhất 30 phút trước khi dùng sucralfat.

Ngoài ra, thuốc pantoprazol có thể có tác dụng phụ như: gây tiêu chảy, tăng đường huyết; đau đầu, đau bụng, bất thường về kết quả thử nghiệm chức năng gan.

 Theo ThS. Bùi Quỳnh Nga (suckhoedoisong)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm