Ngày 10-8, tại thủ đô Nay pyi taw (Myanmar), hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 đã ra tuyên bố chung.
Theo trang web ASEAN, trong tuyên bố chung, ASEAN tiếp tục lo ngại sâu sắc về diễn biến căng thẳng gần đây ở biển Đông và khẳng định tầm quan trọng phải duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do lưu thông hàng hải và trên không phận biển Đông.
ASEAN kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
ASEAN mong muốn các bên đối thoại, tham vấn, thương lượng hữu nghị phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
ASEAN nhất trí tăng cường tham vấn với Trung Quốc (TQ) về các biện pháp và cơ chế bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như đàm phán thực chất nhằm tiến đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Ngày 10-8 ở Nay pyi taw (Myanmar), các bộ trưởng Ngoại giao dự lễ ra mắt biểu tượng chính thức của Diễn tập cứu trợ thảm họa ARF 2015. Ảnh: trang web ASEAN
ASEAN đã chỉ đạo các quan chức có liên quan làm việc với TQ để thống nhất mục tiêu, cấu trúc và tính chất của COC. ASEAN muốn tiến trình đàm phán COC diễn ra nhanh chóng.
ASEAN ghi nhận kế hoạch hành động ba bước của Philippines nhằm giảm căng thẳng trên biển Đông và các đề xuất liên quan đến Điều 5 của DOC mà một số bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nêu ra.
Cùng ngày đã diễn ra Diễn đàn khu vực ASEAN và hội nghị cấp cao Đông Á.
Các chủ đề nổi bật của hai hội nghị này là tranh chấp biển Đông, CHDCND Triều Tiên, tình hình chính trị Thái Lan và một số vấn đề an ninh khu vực khác.
Báo India Express (Ấn Độ) đưa tin phát biểu tại hai hội nghị trên, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj lo ngại tranh chấp biển Đông có nguy cơ phá hủy an ninh và lòng tin lẫn nhau. Ấn Độ phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đồng thời ủng hộ tự do lưu thông hàng hải.
Tại Diễn đàn khu vực ASEAN, nhiều bộ trưởng nhấn mạnh cấp thiết phải giảm thiểu rủi ro xảy ra hiểu nhầm và tai nạn trên biển Đông, đồng thời phải nhanh chóng giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp tham vấn hòa bình.
Trước đó, ngày 9-8 tại Nay pyi taw, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng TQ Vương Nghị.
Trao đổi với báo chí sau đó, Ngoại trưởng Fumio Kishida cho biết hai bên đã trao đổi các biện pháp cải thiện quan hệ song phương và không công bố chi tiết nội dung thảo luận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị đã đề nghị Ngoại trưởng Fumio Kishida dỡ bỏ các trở ngại chính trị để hai nước phát triển quan hệ. Kyodo News nhận định đây là một cách gián tiếp đề nghị Nhật thỏa hiệp với TQ về vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và chuyện các nhà lãnh đạo Nhật viếng đền Yasukuni.
ĐĂNG KHOA
Trong hội đàm với ngoại trưởng Mỹ hôm 9-8, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị cho biết TQ sẵn sàng giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn. Ông nhận định tình hình biển Đông vẫn yên ổn, tự do hàng hải không bị ảnh hưởng gì và đề nghị Mỹ chấm dứt mọi hành động có thể làm phức tạp thêm quan hệ vốn đã căng thẳng giữa TQ và các nước ASEAN cùng tranh chấp. Ngoại trưởng John Kerry khẳng định Mỹ sẵn sàng củng cố niềm tin chiến lược và hợp tác nhiều mặt với TQ. Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp biển Đông mà chỉ mong muốn hòa bình và ổn định |