Đã có quy định chi tiết về hành vi hủy hoại đất đai

Tôi nghe nói Chính phủ vừa có quy định mới về xử lý hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, Chính phủ đã ban hành định nghĩa về hành vi hủy hoại đất đai và mức xử phạt hành vi này. Vậy, tôi xin hỏi theo quy định mới thì hành vi hủy hoại đất đai là như thế nào? Mức phạt hành vi này như thế nào?

Bạn đọc Huỳnh Tấn Tài (huynhtai…@gmail.com).

Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2019, thay thế cho Nghị định 102/2014, quy định về xử lý hành chính trong lĩnh vực đất đai.

So với các quy định trước đây, Nghị định 91/2019 lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về hành vi hủy hoại đất đai.

Cụ thể, khoản 3 Điều 3 Nghị định 91 quy định, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Còn theo Điều 15 Nghị định 91/2019, trường hợp cá nhân làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:

- Phạt tiền 2-5 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 ha;

- Phạt tiền 510 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 - dưới 0.1 ha;

- Phạt tiền 10-30 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại 0,1- dưới 0,5 ha;

-  Phạt tiền 30-60 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 - dưới 1 ha;

- Phạt tiền 60-150 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 1 ha trở lên.

Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đây là mức phạt cho cá nhân có hành vi hủy hoại đất, nếu tổ chức vi phạm cùng hành vi này sẽ bị xử phạt với mức phạt nhân đôi.

Mặc khác, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành thì bị thu hồi đất.

Nghị định 91/2019 có hiệu lực từ ngày 5-1-2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm