Bộ GD&ĐT lý giải việc DN chi gần 100 tỉ để 'phát triển thị trường và tập huấn'

(PLO)- ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý vừa có văn bản trao đổi lại với Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn sau khi Bộ này có công văn phản hồi ý kiến của ĐB nêu ra tại phiên thảo luận ngày 1-6 về kinh tế xã hội liên quan tới sách giáo khoa (SGK).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ĐB Thuý cho hay đổi mới giáo dục là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri đặc biệt quan tâm. Với trách nhiệm của một ĐBQH, bà đã nêu ra là những vấn đề vốn đã được bà chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT nhưng “chưa được giải đáp thoả đáng hoặc là những vấn đề mới phát sinh mà việc giải trình và giải quyết thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng”.

Bộ GD&ĐT giải trình không thuyết phục

“Tiếc rằng, Công văn số 2706 của Bộ trưởng trả lời tôi lần này không đề cập đến những vấn đề chính yếu mà tôi đã đặt ra” - ĐB Thuý chia sẻ.

Cụ thể, về trách nhiệm của Bộ đối với những sai phạm phải xử lý hình sự ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), ĐB Thuý cho hay: “Công văn trả lời của Bộ dành tới 18 dòng để giải trình nhưng tuyệt nhiên không có câu nào cho biết cơ quan chủ quản (tức Bộ GD&ĐT) có trách nhiệm như thế nào trong việc “Bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng và thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát” như ý kiến của bà nêu”.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) (Ảnh: QH)

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) (Ảnh: QH)

Theo ĐB Thuý, thái độ của Bộ và NXBGDVN đối với sai sót trong một số quyển SGK và khả năng thiếu SGK trong năm học sắp tới “là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình”.

“Hiện nay, hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các Nhà xuất bản và Bộ GD&ĐT trả lời. Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế”- ĐB Thuý nêu và cho hay cả hai ví dụ trong ý kiến phát biểu của bà tại phiên thảo luận KTXH ngày 1-6 đều không được công văn của Bộ GDĐT giải trình thuyết phục.

In sách trước khi đấu thầu, Bộ giải trình ra sao?

Bà Thuý cho hay, công văn của Bộ khẳng định việc sửa chữa sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6 (Kết nối tri thức với cuộc sống) của NXBGDVN đã được thực hiện theo đúng Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, theo bà quy trình sửa chữa này không đúng với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư số 33.

Về số lượng sách các lớp 4, 8, 11 đã in, ĐB Thuý cho hay văn bản giải trình của Bộ cho rằng thông tin bà đưa ra không có trong văn bản chuẩn bị cho cuộc họp cũng như trong nội dung phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 10-5-2023.

Về việc này, ĐB Thuý cho hay Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đã tường thuật rất rõ nội dung báo cáo của Bộ trưởng GDĐT với Phó Thủ tướng. Trong đó nêu rõ “đến ngày 30-4-2023, tỉ lệ in sách của theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 đạt 81%; lớp 4, 8, 11 đạt 79%”.

Theo ĐB Thuý, tới nay, Bộ GD&ĐT khẳng định đó chỉ là dự kiến kế hoạch và “Dự kiến việc in SGK sẽ hoàn tất trước ngày 30-6-2023”. Tuy nhiên, Công văn của Bộ cũng như thư trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi bà đều không nêu căn cứ để ĐBQH và cử tri yên tâm về lời khẳng định này.

Nguyên nhân “không yên tâm” theo bà thứ nhất là do, khả năng NXBGDVN chậm có sách giáo khoa trước năm học mới “là điều Bộ trưởng biết rất rõ”. Thứ hai là trước cuộc họp báo cáo Phó Thủ tướng 5 ngày (tức ngày 5-5-2023), NXBGDVN mới có công văn mời thầu in SGK các lớp 4, 8, 11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, ngày mở thầu là 21-5-2023.

Nếu thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu thì việc kịp in sách trước năm học mới còn khó, chứ không nói là in kịp trước ngày 30-6-2023.

Bộ GD&ĐT và công ty NXB báo cáo "trật chìa"

Về thông tư 25 của bộ trao quyền chọn SGK cho hội đồng 15 người, bà Thuý cho hay Bộ GD&ĐT đã có công văn nhắc nhở các địa phương thực hiện nghiêm túc và cử tám Đoàn thanh tra về một số địa phương. Tuy nhiên, theo bà Thuý, Bộ vẫn chưa giải thích tính hợp lý của quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Thông tư nói trên.

Bên cạnh đó, ĐB Thuý cho rằng trên thực tiễn do có nhiều NXB tham gia biên soạn và phát hành SGK nên đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi. Chẳng hạn như việc NXB đầu tư cho Sở GD&ĐT để có lợi cho việc phát hành sách của mình; cạnh tranh về tỉ lệ chiết khấu phát hành; vận động không lành mạnh một số địa phương và cán bộ quản lý giáo dục trong việc chỉ định mua SGK; chỉ đạo các Công ty phát hành SGK ở địa phương không được phát hành SGK các NXB khác…

Theo ĐB Thuý, đây là việc lẽ ra Bộ GD&ĐT cần lường trước vì không hề khó đoán. Quy định tại khoản 4 Điều 8 trao toàn quyền cho Hội đồng lựa chọn SGK đã tạo điều kiện cho thành viên Hội đồng chỉ thực hiện quyền mà không phải chịu trách nhiệm do cơ chế bỏ phiếu kín.

“Kẽ hở pháp luật này rất dễ bị lợi dụng, phục vụ cho lợi ích nhóm, vô hiệu hóa quyền dân chủ của cơ sở, làm thiệt hại cho quyền lợi của giáo viên và học sinh” - ĐB Thuý nhấn mạnh và cho biết sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan bảo vệ pháp luật về việc tình trạng “thiếu dân chủ, khách quan trong lựa chọn SGK”.

Liên quan đến chi phí của Công ty Phương Nam thuộc NXBGDVN để “phát triển thị trường và tập huấn”, bà Thuý cho hay Bộ GD giải thích chi phí phát triển thị trường của công ty này “năm 2020 là 29,7 tỉ đồng”, “năm 2021 là 24, 2 tỉ đồng”.

Tuy nhiên, theo bà Thuý, tại bản thuyết minh Báo cáo tài chính của Công ty Phương Nam khẳng định: trong 9 tháng đầu năm 2020 đã chi hơn 42 tỉ đồng và 9 tháng đầu năm 2021 đã chi gần 53,8 tỉ đồng để “phát triển thị trường và tập huấn”.

“Như vậy, có thể hiểu là Công ty Phương Nam đã báo cáo sai hoặc chính công ty không nắm chắc chi phí của mình bằng Bộ GD&ĐT?” - ĐB Thuý đặt câu hỏi.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy