BOT Cai Lậy: Ùn tắc thì xả trạm, hết ùn sẽ... thu tiếp

Chiều 1-12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2017.

Nhân sự cố xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy, PV đặt câu hỏi: Chính phủ vừa giao cho Bộ GTVT báo cáo, đánh giá toàn diện về BOT, như vậy có khách quan không? Tại sao lại không giao cho Kiểm toán Nhà nước hoặc Thanh tra Chính phủ trực tiếp đánh giá toàn diện lại việc này?...

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trả lời: Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT rà soát các dự án BOT để báo cáo Chính phủ. Hiện nay, Bộ đã tiếp 107 đoàn, kể cả Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, chưa kể đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), đoàn giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương... về vấn đề này.

Ngày 1-8-2017, khi trạm thu phí BOT Cai Lậy dừng, Bộ GTVT đã tiến hành rà soát toàn bộ dự án này, đặc biệt là dựa vào kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ GTVT. Kết quả, thủ tục đầu tư dự án này không sai.

Trạm BOT Cai Lậy thông thoáng trong  sáng 1-12. Ảnh: CTV

“Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, Bộ GTVT thì trạm Cai Lậy nằm trong dự án tuyến tránh Cai Lậy chứ không phải nằm ngoài. Việc đầu tư dự án này đã có sự đồng thuận của địa phương, gồm HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu (ĐB) QH tỉnh Tiền Giang” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết thêm.

Liên quan đến những ảnh hưởng do ùn tắc ở trạm thu phí BOT Cai Lậy gây ra, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định theo quy định của Bộ GTVT, các trạm xảy ra ách tắc 500 m thì phải xả trạm, không để kéo dài thời gian ùn tắc. Sau đó sẽ tiếp tục thu phí trở lại.

Đáng chú ý, ông Nhật cho rằng: “Có một số người quá khích, không ủng hộ trạm Cai Lậy, ví dụ họ lái xe đỗ ngay ở trạm thu phí rồi bỏ xe lại đi chơi... Đối với những trường hợp này, chúng tôi sẽ đề nghị xử lý theo pháp luật”. Ông Nhật cũng đề nghị cần có cách thuyết phục, tuyên truyền để nhân dân ủng hộ việc thu phí.

Thủ tướng: Không để kéo dài tình trạng hiện nay

Sáng 1-12, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có báo cáo tổng hợp về BOT trình Thường trực Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh “đặc biệt là về công trình BOT Cai Lậy, Tiền Giang” để có đánh giá toàn diện.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh “không để kéo dài tình trạng này”.

___________________

Mấu chốt ở “chỗ đặt trạm” chứ không phải “phí qua trạm”

Sự việc đang xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy, mấu chốt phải giải quyết nằm ở vị trí đặt trạm chứ không phải phí qua trạm là bao nhiêu. Các cơ quan chức năng đã giải quyết không tận gốc rễ của vấn đề cho nên gây nên hiệu ứng tiêu cực, bất bình trong giới tài xế. Theo tôi, cho dù thời gian tới chủ đầu tư có tiếp tục giảm giá thì cũng khó tránh khỏi trường hợp tương tự.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC,  Đoàn Luật sư TP Cần Thơ

Dân phản đối không phải do tiền

Thực chất tôi đi nhiều trạm từ Nam ra Bắc thì thấy giá BOT Cai Lậy như hiện giờ là thấp lắm rồi. Rõ ràng điều khiến người ta phản ứng là trạm đặt không đúng chỗ, làm con đường này đặt trạm chỗ khác chứ không phải do tiền.

Có lẽ Bộ GTVT rồi UBND tỉnh Tiền Giang phải ngồi lại với chủ đầu tư để tính toán. Phải xác định rõ đặt trạm ở đó đúng hay không đúng thì mới vỡ ra vấn đề. Chứ một bên nói đặt trạm đúng nên cứ thu, còn tài xế nói không đúng, dẫn tới hai bên chưa cùng một hướng thì không thể giải quyết ổn thỏa vấn đề này.

ĐBQH PHẠM VĂN HÒA,  Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH

GIA TUỆ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm